Tài chính

"Càng phụ thuộc vào giao dịch điện tử, vấn đề an toàn thanh toán cũng xuất hiện và khó tránh khỏi"

Tại Hội thảo: "An toàn trong hoạt động thanh toán" diễn ra mới đây, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng hiện nay tại Việt Nam đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Các tổ chức tín dụng dành khoảng 15.000 tỷ đầu tư cho lĩnh vực công nghệ vì vậy đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Trong khi đó, tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Cũng theo ông Hùng, các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% và nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng.

Trong đó có nhiều tổ chức tín dụng đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 60 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy.

Song, ông Hùng cũng thẳng thắn cho rằng: "Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào các giao dịch điện tử, những vấn đề mới về an toàn thanh toán cũng xuất hiện và khó có thể tránh khỏi. Rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử đã tăng mạnh trong thời gian qua, các hình thức gian lận mới xuất hiện và ngày càng tinh vi hơn, gây ra nhiều phiền toái và thiệt hại cho người dùng.

TS Nguyễn Quốc Hùng cũng đã chỉ ra một số hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như:

Thứ nhất, các đối tượng thường lừa đảo chiếm đoạt thông tin thông qua việc tiếp cận chủ tài khoản, thẻ để giới thiệu các chương trình hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ rút tiền dư trong thẻ tín dụng, đóng hoặc kích hoạt thẻ tín dụng… để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.

Thứ hai, các đối tượng lừa đảo còn giả danh nhà mạng yêu cầu khách hàng nâng cấp Sim 4G nhằm chiếm đoạt Sim của khách hàng, sau đó đăng ký với nhà mạng để chiếm đoạt Sim và thực hiện các giao dịch gian lận như rút tiền khỏi tài khoản, mua sắm và thanh toán online với các thiết bị điện tử đắt tiền… sau khi nhận mã OTP từ sim.

Thứ ba, nhiều đối tượng còn yêu cầu các nạn nhân nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng đưa ra. Tuy nhiên, thực chất đây là cú pháp để người dùng dịch vụ cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ. Sau khi người bị hại gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên thì sẽ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại của mình.

Thứ tư, đánh cắp OTP để thực hiện lấy dữ liệu rồi kết nối ví điện tử, từ đó thực hiện rút tiền qua các ví điện tử bằng việc kẻ gian lợi dụng mời chào khách hàng vay vốn trực tuyến (online), rồi yêu cầu cung cấp các thông tin, hình ảnh như chứng minh nhân dân, số thẻ ngân hàng, ngày đến hạn, số CVV, mật khẩu OTP… Sau khi lấy được những thông tin này, các đối tượng chiếm đoạt tiền

Thứ năm, nhiều người dân đã nhận được tin nhắn giả mạo các ngân hàng thương mại để dẫn dụ vào đường link với mục đích đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng. để giả mạo brandname, các đối tượng để thiết bị lên ô tô hoặc xe máy di chuyển đến nơi đông người. Sau đó phát tán tin nhắn tới các thuê bao lọt vào vùng phủ sóng của trạm BTS giả. Các tin nhắn giả brandname không khác gì tin nhắn thật, khiến điện thoại tự động xếp chung với các tin nhắn thật, người dùng rất khó phân biệt.

Thứ sáu, lợi dụng việc nhiều người dân chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, các đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ Công an phường, xã gọi điện thoại cho nạn nhân hẹn đến trụ sở để đồng bộ định danh điện tử hoặc đề nghị nạn nhân cài đặt qua mạng. Sau đó, thu thập các dữ liệu trong điện thoại của nạn nhân như thông tin sinh trắc học, tin nhắn, danh bạ từ đó tấn công, chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Thứ bảy, giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan nhà nước đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với vỏ bọc xác minh, điều tra và chiếm quyền sử dụng tài khoản. Hay giả danh người thân nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt…

Với hình thức lừa đảo ngày càng gia tăng, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh rằng, việc tăng cường an ninh thông tin và đảm bảo an toàn thanh toán là rất quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số của ngành ngân hàng.

Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay, các ngân hàng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong 1 số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC.

Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng còn khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý dữ liệu, chi phí triển khai… Các ngân hàng cũng đang gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, song hiện tại tốc độ còn chậm do khách hàng còn chưa nắm rõ về quy định mới và cung cấp dữ liệu cho ngân hàng.

"Dự báo lượng khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học có thể sẽ tăng đột biến vào 1/7/2024, có thể ảnh hưởng đến hệ thống đối soát thông tin từ cơ sở dữ liệu CCCD và trải nghiệm khách hàng của ngân hàng", ông Hùng nói thêm.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm