Phình động mạch não là bất thường của hệ thống mạch máu não, hình thành khi thành động mạch bị yếu đi và phồng lên, tạo thành một túi nhỏ chứa máu. Khi túi phình vỡ, máu tràn ra khỏi lòng mạch gây chảy máu não, có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Tín, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các yếu tố đã được y văn ghi nhận có liên quan đến nguy cơ vỡ phình động mạch não bao gồm:
Kích thước túi phình
Túi phình lớn thường có áp lực nội tại cao hơn, dễ gây tổn thương thành mạch và tăng nguy cơ vỡ. Nghiên cứu quốc tế ISUIA (International Study of Unruptured Intracranial Aneurysms) cho thấy túi phình có đường kính trên 7 mm ở động mạch thông trước hoặc động mạch não giữa có nguy cơ vỡ cao hơn. Tuy nhiên, một số túi phình nhỏ dưới 5 mm cũng có thể vỡ, nhất là khi kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc, tăng huyết áp hay vị trí đặc biệt của túi phình.
Vị trí và đặc điểm túi phình
Các túi phình nằm ở tuần hoàn sau, bao gồm động mạch nền và động mạch đốt sống, có nguy cơ vỡ cao hơn so với túi ở tuần hoàn trước. Thành mạch ở vùng này thường mỏng hơn, áp lực máu thay đổi liên tục và khó tiếp cận phẫu thuật nên dễ bị tổn thương. Túi phình ở động mạch thông sau và động mạch thông trước thường chịu ảnh hưởng lớn từ dao động huyết áp, làm tăng áp lực lên thành túi phình theo thời gian.
Về hình thái, túi phình có cổ hẹp, vách không đều hoặc có chồi (blebs) nhỏ trên bề mặt thường kèm nguy cơ vỡ cao hơn. Túi phình dạng hình thoi hoặc có nhiều ngăn nhỏ thường đi kèm với tình trạng dòng máu rối loạn bên trong, tạo ra những vùng áp lực cục bộ khiến thành mạch dễ vỡ.

Êkíp bác sĩ Tâm Anh phẫu thuật kẹp cổ túi phình cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao với cả hình thành và vỡ túi phình. Nicotin và các chất trong khói thuốc gây tổn thương lớp nội mô mạch máu, làm giảm tính đàn hồi của thành mạch và thúc đẩy quá trình viêm nội mạch. Hút thuốc làm tăng huyết áp và thay đổi tính chất của dòng chảy máu, từ đó tăng áp lực lên túi phình.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp gây áp lực kéo dài lên thành mạch và thay đổi động lực học dòng máu, làm thành túi phình nhanh chóng yếu đi. Tăng huyết áp không kiểm soát là yếu tố nguy cơ được ghi nhận trong các nghiên cứu dịch tễ học về xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình. Kiểm soát huyết áp tốt giúp làm chậm tiến triển túi phình và giảm nguy cơ vỡ.
Tiền sử gia đình và yếu tố di truyền
Người có người thân trực hệ (bố, mẹ, anh chị em ruột) từng bị túi phình hoặc xuất huyết dưới nhện có nguy cơ cao hơn so với dân số chung. Các đột biến gene liên quan đến cấu trúc thành mạch hoặc cơ chế sửa chữa tế bào góp phần vào sự hình thành và vỡ túi phình. Một số hội chứng di truyền như hội chứng Ehlers-Danlos, Marfan hoặc bệnh thận đa nang có liên quan đến sự bất thường cấu trúc mô liên kết, từ đó làm yếu thành mạch.
Giới tính và tuổi
Bác sĩ Tín dẫn một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị túi phình và vỡ túi phình động mạch nội sọ cao hơn nam giới, nhất là sau mãn kinh. Suy giảm nội tiết tố estrogen có thể ảnh hưởng đến độ bền của thành mạch, giảm khả năng chống lại áp lực máu. Tuổi cao đi kèm với sự lão hóa của hệ thống mạch máu và giảm khả năng tự sửa chữa tổn thương thành mạch, làm tăng xác suất vỡ túi phình khi có các yếu tố thuận lợi khác.
Rối loạn huyết động và các bất thường mạch máu đi kèm
Sự bất thường của dòng chảy máu trong mạch, nhất là ở các điểm phân nhánh, tạo ra lực cắt và xoáy mạnh tác động lên thành túi phình. Lâu dài, các yếu tố này làm tổn thương lớp nội mô và thúc đẩy tiến trình thoái hóa thành mạch. Các dị dạng mạch máu như dị dạng động - tĩnh mạch hoặc hẹp mạch đoạn gần cũng làm thay đổi huyết động học, từ đó ảnh hưởng đến độ bền của túi phình.
Rượu và chất kích thích
Uống nhiều rượu khiến huyết áp tăng đột ngột, giãn mạch và làm yếu cấu trúc thành mạch. Các chất kích thích như cocaine có tác dụng gây co mạch mạnh và đột ngột, dẫn đến thay đổi huyết áp và lưu lượng máu trong thời gian ngắn, làm tăng nguy cơ vỡ túi phình.
Tiền sử xuất huyết dưới nhện hoặc túi phình từng vỡ
Bệnh nhân từng bị vỡ túi phình có nguy cơ tái vỡ nếu chưa được can thiệp triệt để. Nguy cơ này cao nhất trong 24-48 giờ đầu sau đợt xuất huyết đầu tiên, theo bác sĩ Tín. Bệnh nhân có nhiều túi phình đồng thời cũng đứng trước nguy cơ một trong số đó vỡ tiếp theo.
Hoạt động thể lực với cường độ cao
Hoạt động thể lực cường độ cao có thể làm tăng áp lực máu trong thời gian ngắn, nhất là khi gắng sức đột ngột hoặc tập quá khả năng chịu đựng. Với người có túi phình mạch máu não, sự gia tăng huyết áp đột ngột khi tập luyện có thể tạo thêm áp lực lên thành túi phình vốn đã yếu, từ đó tăng nguy cơ vỡ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khẳng định mọi hình thức tập luyện cường độ cao đều gây vỡ túi phình. Nguy cơ phụ thuộc vào tình trạng mạch máu, mức độ tổn thương và các yếu tố nguy cơ đi kèm. Người có túi phình hoặc thuộc nhóm nguy cơ nên tập luyện vừa phải, phù hợp với thể trạng.
"Vỡ túi phình nguy hiểm, thường đột ngột và khó lường trước", bác sĩ Tín nói, thêm rằng nguy cơ có thể kiểm soát. Khám sức khỏe định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện sớm bất thường trong cấu trúc mạch máu cũng như các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường như đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thị giác hoặc tê yếu chi, người bệnh nên đi khám ngay.
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp. |