Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thông tin mới đây, nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành về lĩnh vực bất động sản trong năm 2023 của ngành ngân hàng đó chính là thúc đẩy triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đến nay, có 26 tỉnh, thành phố đã công bố các danh mục nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, và dự án cải tạo chung cư cũ với tổng số 58 dự án.
Tham gia triển khai chương trình này có 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) với mức cam kết dành khoảng 120.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng). Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã cam kết sẽ dành 5.000 tỷ đồng cho chương trình.
Tính đến cuối tháng 11/2023, các ngân hàng thương mại đã cam kết giải ngân đối với 12 dự án với tổng số vốn cam kết là 5.000 tỷ đồng, đã giải ngân xong 428 tỷ đồng.
"Chương trình tín dụng này sẽ phục vụ và hỗ trợ thúc đẩy Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, do đó quá trình triển khai sẽ còn diễn ra trong thời gian tới. Với sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, tiến độ giải ngân của gói 120.000 tỷ sẽ được thúc đẩy", bà Giang cho hay.
Tỷ lệ giải ngân triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng hiện nay chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng hơn một số đối tượng được vay của gói tín dụng này. Theo đó, các đối tượng được bao gồm cả chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên.
Đồng thời, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng lại gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.