"Tiến độ giải phóng mặt bằng như vậy rất đáng lo đối với kế hoạch thực hiện dự án", Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nói tại buổi làm việc với các tỉnh, thành liên quan về tình hình triển khai dự án Vành đai 3, chuẩn bị đầu tư Vành đai 4 TP HCM, chiều 4/1.
Vành đai 3 đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, giai đoạn một được đầu tư với tổng chiều dài hơn 76 km, kinh phí gần 75.400 tỷ đồng. Tuyến chia 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Giai đoạn này, Vành đai 3 được làm trước 4 làn, hai bên xây đường song hành (không liên tục). Theo kế hoạch, toàn tuyến sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và khai thác một năm sau đó.
Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, trong 4 địa phương tuyến đường đi qua, tiến độ giải phóng mặt bằng ở Đồng Nai chậm nhất. Đoạn Vành đai 3 đi qua tỉnh này dài hơn 11 km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 65 ha. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới giao 4,6 ha, chiếm 6,2%. Trong khi ba địa phương khác là Bình Dương, TP HCM, Long An, tỷ lệ bàn giao mặt bằng lần lượt 82%, 97% và 98%.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói dù tỉnh Đồng Nai đến nay đã duyệt phương án bồi thường cho hơn 500 hộ dân, trên tổng số gần 800 trường hợp bị ảnh hưởng và chuẩn bị chi tiền đền bù đợt một, song như vậy vẫn chậm. Trong khi đó, tỉnh đã lựa chọn nhà thầu hai gói xây lắp, nếu không đẩy nhanh bàn giao mặt bằng sẽ lỡ mất điều kiện thi công thuận lợi vào mùa khô những tháng sắp tới. Đến mùa mưa, việc triển khai sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.
"Ngay cả dự án thành phần 1A thuộc tuyến Vành đai 3 do Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai, phía Đồng Nai cũng chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng", ông Tuấn nói và đề nghị địa phương này đẩy nhanh tiến độ nhằm đồng bộ kế hoạch thực hiện dự án.
Giải thích việc bàn giao mặt bằng bị chậm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng, cho biết do quá trình phê duyệt giá đất ở địa phương mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, những tháng qua chính quyền tỉnh cùng huyện Nhơn Trạch tập trung đẩy nhanh, vài ngày tới bắt đầu chi trả đền bù cho hơn 500 hộ, kinh phí hơn 500 tỷ đồng.
Với đợt hai, hiện còn hơn 100 trường hợp chưa xác định được nguồn gốc đất nhưng địa phương dự tính trong tháng 1 sẽ hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh bàn giao mặt bằng cho dự án. "Đồng Nai đang nỗ lực theo kịp tiến độ của các địa phương khác nhằm đưa vào khai thác toàn tuyến Vành đai 3 như kế hoạch", bà Hoàng nói.
Cũng tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, nêu một trong vướng mắc lớn hiện nay đối với triển khai Vành đai 3 là nguồn vật liệu, nhất là cát đắp nền. Theo ông, 2024 là năm cao điểm thi công tuyến vành đai, nguồn cát đắp cần khoảng 5,6 triệu m3, trên tổng nhu cầu 9,3 triệu m3 toàn tuyến nên là áp lực lớn. Tuy nhiên, do nhiều cao tốc đang đồng loạt triển khai nên càng khan hiếm, nhất là nguồn cát chất lượng.
Theo ông Cường, mới đây TP HCM làm việc một số tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long... và có biên bản về việc xem xét giải quyết nhu cầu vật liệu cho dự án. Trong vai trò là cơ quan điều phối thực hiện Vành đai 3, TP HCM tiếp tục phối hợp các địa phương liên quan đề nghị hỗ trợ cát đắp, bởi nguồn vật liệu này quyết định lớn "thành bại" của tuyến đường.
Vành đai 3 TP HCM là dự án giao thông liên kết vùng lớn nhất miền nam từ trước đến nay. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.