Nhận định trên được nêu trong "Báo cáo Kinh tế vĩ mô: Kết quả 2023 và Dự báo 2024" do Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) và Cục Thống kê thành phố vừa công bố.
Năm 2023, GRDP của TP HCM tăng 5,8%, thấp hơn mục tiêu 1,7-2 điểm phần trăm. Tháng trước, thành phố đề ra kỳ vọng tăng trưởng năm nay từ 7,5-8%. Mục tiêu này muốn khả thi, theo các chuyên gia Đại học Kinh tế TP HCM cần "tình hình kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cộng với việc thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu".
Nhóm nghiên cứu cho rằng, nhìn chi tiết vào số liệu theo các quý trong năm 2023 cho thấy một sự phục hồi ổn định của nền kinh tế TP HCM. Sự phục hồi của tổng cầu được phản ánh khá rõ thông qua rất nhiều chỉ tiêu về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Nhưng xét tình hình thế giới, hiện hầu hết tổ chức nghiên cứu lớn đều chung nhận định kinh tế toàn cầu 2024 phục hồi chậm, khó có bứt phá. Nhiều lý do được chỉ ra, bao gồm rủi ro tắc nghẽn hay đứt gãy chuỗi cung ứng còn cao do xung đột chính trị. Xác suất các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024, đặc biệt là nửa đầu năm, là khá thấp.
Cả Mỹ và châu Âu - hai bạn hàng lớn của thành phố - đều được dự báo tăng trưởng với tốc độ khá khiêm tốn năm nay. Trong khi, tăng trưởng của Trung Quốc khả năng giảm tốc. Do đó, xuất khẩu của TP HCM sẽ khó bứt phá và là thách thức để phục hồi tổng cầu, theo UEH.
Tổng cầu là tổng giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ mà một nền kinh tế sản xuất và tiêu thụ trong một khoảng thời gian cụ thể. Để kích cầu, nhóm nghiên cứu khuyến nghị TP HCM có chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, đầu tư tích lũy tài sản doanh nghiệp, hộ gia đình và xuất khẩu.
Trong đó, thành phố cần đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang các nước tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Ví dụ, Ấn Độ đang tăng trưởng cao và ổn định nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm ngoái chỉ 1,41%.
Theo UEH, các biện pháp này kết hợp với việc tăng tốc giải ngân đầu tư công, nỗ lực khắc phục nợ xấu và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng, sự phục hồi của tổng cầu ở TP HCM kỳ vọng sẽ có trợ lực lớn trong sáu tháng cuối năm.
Trước mắt, theo khảo sát của Cục Thống kê TP HCM về tình hình kinh doanh quý I, có 21,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 43,5% giữ ổn định và 34,6% khó khăn hơn. Trong đó, 66,7% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài lần lượt là 65,3% và 65,2%.