Xã hội

Cả nước kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7

Tóm tắt:
  • Từ 1-7-2025, đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn quốc sẽ kết thúc hoạt động theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013.
  • Nghị quyết gồm hai điều, sửa đổi về Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức chính quyền địa phương.
  • Việc thành lập và giải thể đơn vị hành chính dưới tỉnh do Quốc hội quy định, kết thúc chính quyền cấp huyện.
  • Khi sắp xếp mới, các chức danh lãnh đạo tỉnh, thành phố không bầu mà được chỉ định theo thẩm quyền.
  • Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị tự nguyện của các tổ chức xã hội, hoạt động dưới sự chủ trì của Mặt trận.

Ngày 6-5, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã công bố Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 để lấy ý kiến nhân dân.

Cả nước kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7- Ảnh 1.

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước (ảnh minh họa)

Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp có 2 điều. Trong đó, điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Quy định về chính quyền 2 cấp

Sửa đổi, bổ sung Điều 110 như sau: Các đơn vị hành chính của Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.

Tại khoản 2 Điều 111 được sửa đổi, bổ sung: Chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 112 như sau: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của chính quyền địa phương từng cấp.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 114 như sau: UBND do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Không bầu mà tiến hành chỉ định lãnh đạo tỉnh, thành sau sáp nhập

Khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025, thì không tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; không bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Thường trực HĐND cấp xã chỉ định Ủy viên UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp theo hướng quy định Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, điều lệ của MTTQ Việt Nam, điều lệ của mỗi tổ chức. Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.

Các tin khác

PepsiCo công bố danh sách các công ty lọt vào vòng chung kết "Greenhouse Accelerator 2025"

Trong tháng 4 năm 2025, PepsiCo vừa công bố danh sách 10 công ty khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết Chương trình Greenhouse Accelerator mùa thứ ba tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một nước đi táo bạo nhằm đẩy nhanh sự đổi mới trong các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu.

Cổ phiếu Novaland tăng trần

Cổ phiếu Novaland (NVL) hôm nay tăng hết biên độ lên 12.250 đồng, vùng giá cao nhất 8 tháng, khi nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng gom hàng.

Ăn lòng se điếu có tốt?

Lòng se điếu có giá thành cao bởi hiếm hơn các loại lòng heo thông thường, vậy ăn có tốt và cần lưu ý gì khi mua? (Thành, 38 tuổi, Hà Nội)

Lý do chỉ số giá tiêu dùng tăng

Giá thuê nhà, giá thực phẩm và đồ ăn, uống tăng… là những nguyên nhân chính “kéo” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước.