Chỉ số Dollar index (DXY) giảm gần 2% trong phiên 4/11 – phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm 2015 – đã giúp giá vàng tăng mạnh, với vàng giao ngay tăng gần 3% lên 1.677,67 USD/ounce; trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 2,8% lên 1.676,6 USD, khép lại tuần tăng gần 2,2% - mức tăng nhiều nhất kể từ cuối tháng 7.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao thuộc Kitco Metals, cho biết: "Báo cáo việc làm của Mỹ đã chạm đúng điểm mạnh nơi thị trường vàng trông ngóng, và điều đó đã giúp vàng phục hồi".
Giá vàng diễn biến ngược chiều với USD.
Ngân hàng trung ương Mỹ hôm thứ Tư đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, nhưng báo hiệu rằng họ sẽ sớm thu hẹp mức tăng lãi suất mạnh mẽ của mình để cho nền kinh tế có thời gian "hấp thụ" chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong 40 năm mà họ đang thực hiện. Những thông điệp đó đã khiến các nhà đầu tư kim loại quý tin rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ lựa chọn con đường giảm tốc đột tăng lãi suất và lựa chọn thời điểm phù hợp để dừng tăng.
"Nếu báo cáo lạm phát của Mỹ công bố vào tuần tới có bất ngờ (là lạm phát giảm), vàng có thể tăng tiếp lên mức 1.700 USD/ounce", Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết.
Mỹ vừa công bố một loạt dữ liệu kinh tế với những số liệu xấu tốt đan xen, khiến thị trường khó dự đoán về đường đi của Fed.
Kết quả khảo sát của Kitco News cho thấy tâm lý trên thị trường tiếp tục được cải thiện, với phần lớn các nhà phân tích kỳ vọng giá sẽ tăng trong thời gian tới. Tâm lý của các nhà đầu tư bán lẻ cũng tiếp tục được cải thiện nhưng vẫn dưới ngưỡng 50%. Đây là sự đảo ngược tâm lý sau khi giá vàng kết thúc tháng 10 với mức giảm tháng thứ 7 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất trong 50 năm qua.
Lợi suất trái phiếu tăng và đồng đô la Mỹ - mặc dù giảm nhưng vẫn giữ ở gần mức cao nhất trong 20 năm, vẫn là những cơn gió ngược quan trọng đối với vàng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng lo ngại suy thoái gia tăng đang thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng.
Ole Hansen, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo, cho biết suy thoái ở Mỹ sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang phải chấm dứt chu kỳ thắt chặt trước khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Ông nói thêm rằng một môi trường lạm phát đình trệ với tăng trưởng kinh tế thấp và lạm phát cao sẽ tạo ra xu hướng tăng giá đối với vàng.
Tuy nhiên, ông Hansen nói thêm rằng trong khi ông hy vọng giá vàng sẽ có đủ động lực để đẩy lên cao hơn, việc di chuyển trở lại mức 1.675 USD sẽ chỉ đưa thị trường trở lại vùng trung lập.
"Chúng tôi có thể tự tin gọi là đáy nếu giá có thể quay trở lại trên 1.735 USD. Điều đó sẽ đưa vàng trở lại xu hướng tăng giá", ông nói.
Christopher Vecchio, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc DailyFX.com, nói rằng ông trung lập với triển vọng giá vàng vì ông cũng tin giá sẽ tăng trước hết là đạt 1.680 USD, tiếp đến là 1.730 USD.
Ông nói: "Chúng ta sắp đến lúc có thể nói rằng giá vàng đã chạm đáy, nhưng vàng vẫn cần làm nhiều việc hơn nữa."
Tuần này, có tổng cộng 20 chuyên gia thị trường đã tham gia cuộc khảo sát của Kitco ở Phố Wall. Trong đó, 10 nhà phân tích, tương đương 50%, cho biết họ lạc quan về giá vàng tuần tới; 2 nhà phân tích, tương đương 10%, cho biết họ dự báo giá sẽ giảm; và 8 nhà phân tích, tương đương 40%, cho biết họ trung lập với thị trường kim loại quý này.
Về phía các nhà bán lẻ, có 520 người đã tham gia các cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Chính. Trong đó, tổng cộng 240 người, tương đương 46%, dự báo vàng sẽ tăng giá; 169 người, tương đương 33%, dự đoán vàng sẽ giảm; và 111 người, tương đương 21%, dự báo giá đi ngang.
Kết quả khảo sát của Kitco về triển vọng giá vàng tuần tới.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ bắt đầu xuất hiện với những "rạn nứt" trên thị trường lao động.
Thứ Sáu (4/11), Cục Thống kê Lao động cho biết có 261.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 10, vượt qua kỳ vọng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã nói rằng khi người ta nhìn qua về con số đã thấy có một "điểm yếu" đang ngày càng lớn dần.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên 3,7% từ mức 3,5% của tháng 9; thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,4% trong tháng 10 sau khi tăng 0,3% trong tháng 9; nhưng mức tăng lương chậm lại còn 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 10, sau khi tăng 5,0% vào tháng 9.
"Nhìn về dài hạn, thị trường việc làm mới rõ ràng đang chững lại. Ở nhóm lao động "cốt lõi "từ 25 đến 54 tuổi, mất việc làm gia tăng, một yếu tố rất quan trọng. Fed sẽ không ngừng thắt chặt vì báo cáo đó, nhưng đấy là bằng chứng cho thấy bức tranh việc làm đang xấu đi", Adrian Day, chủ tịch công ty Adrian Day Asset Management cho biết.
Cùng với các nguyên tắc cơ bản tăng trưởng ngày càng tăng, nhiều nhà phân tích lưu ý rằng triển vọng kỹ thuật của mặt hàng vàng đã chuyển sang tích cực.
Colin Cieszynski, chiến lược gia thị trường của SIA Wealth Management cho biết: "Vàng đã xây dựng cơ sở kỹ thuật trên mức hỗ trợ 1.620 USD và dường như đang bắt đầu khởi động từ đó".
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều tin rằng đà tăng của vàng là bền vững. Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng thuộc Blue Line Futures, nói rằng nhiều nhà đầu tư đã bị đốt cháy bởi những đợt tăng giá ngắn hạn như hiện tại.
Ông nói thêm rằng lợi suất trái phiếu vẫn ở mức cao, hơn 4%. Điều đó sẽ vẫn là một cơn gió ngược đối với vàng. Cuối cùng, ông nói rằng Fed tiếp tục tăng lãi suất và trong môi trường này, các đợt tăng giá của vàng sẽ kết thúc bằng việc bán ra mạnh.
Marc Chandler, giám đốc điều hành của Bannockburn Global Forex, nói rằng ông hy vọng vàng có thể đạt mức 1.677 USD/ounce. "Tôi muốn giảm mức độ rủi ro trước khi Mỹ công bố chỉ số CPI vào thứ Năm tới - có khả năng chứng tỏ sự khó khăn trên con đường tăng giá vàng", ông nói
Tham khảo: Kitco