Liên quan đến bức phù điêu tại Dự án số 61 Trần Phú (Ba Đình, TP Hà Nội), ngày 11/4, trao đổi nhanh với phóng viên, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, mặc dù không có giá trị về kinh tế nhưng bức phù điêu ở công trình tòa nhà Pháp cổ - nơi Công ty CP Thiết bị bưu điện (Postef) đặt làm trụ sở có giá trị lịch sử vô cùng lớn.
Bởi bức phù điêu này ghi dấu sự kiện ngày 19/5/1967, khi lực lượng phòng không của Hà Nội bắn rơi chiếc máy bay RA 5C của Mỹ tại hè phố Lê Trực. Đây cũng là thời điểm căng thẳng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nước ta.
Cận cảnh bức phù điêu lưu niệm sự kiện ngày 19/5/1967. Ảnh: Minh Tâm
Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: "Dù bức phù điêu rất mộc mạc nhưng lại phản ánh đúng thời đại đó. Tôi cho đó là một phần lịch sử của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng, nên dù sau này có thay đổi về mặt kiến trúc xung quanh thì vẫn phải được ghi nhận, bảo tồn bằng mọi giá".
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, vì mang giá trị lịch sử nên việc giữ lại dấu tích có thể bằng hình thức nào đó cho phù hợp với cảnh quan, kiến trúc ở khu vực, nhằm khơi gợi cho các thế hệ về những ngày nước ta đã chiến đấu, giữ Thủ đô trong thời kỳ chống Mỹ.
Liên quan tới sự việc, trước đó, đại diện lãnh đạo Công ty CP Thiết bị Bưu điện cho biết, tiền thân công ty là Nhà máy thiết bị Bưu điện, đã góp lửa trong sự kiện lịch sử ngày 19/5/1967 và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005.
Do đó, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND quận Ba Đình liên quan đến việc phối hợp bảo vệ bức phù điêu.
Toàn cảnh công trình tại số 61 Trần Phú (Ba Đình) trong giai đoạn phá dỡ. Ảnh: Phạm Hưng.
Đại diện Công ty CP Thiết bị Bưu điện cho rằng, mặc dù qua rà soát, bức phù điêu không thuộc danh mục các công trình được quản lý, bảo vệ theo quyết định của UBND TP Hà Nội và nghị quyết của HĐND TP Hà Nội năm 2013, tuy nhiên, nhận thấy bức phù điêu có giá trị lịch sử nên đơn vị đã giữ nguyên trạng, nếu cần sẽ có phương án di chuyển hợp lý hoặc bảo vệ bức phù điêu tại đúng vị trí khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trước đó, sau những thông tin báo chí phản ánh, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, tổ chức xem xét, đánh giá giá trị bức phù điêu để đề xuất phương án bảo tồn nếu cần thiết (có thể phối hợp với chủ đầu tư để đặt tại vị trí phù hợp trong phạm vi khuôn viên dự án).
Trước đó, ngày 6/4, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã phát đi văn bản hỏa tốc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, các sở, ngành Thành phố có liên quan và UBND quận Ba Đình tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình, thủ tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng POSTEF, tại khu đất số 61 Trần Phú, quận Ba Đình;
Trong thời gian các sở, ngành thành phố kiểm tra, rà soát, Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP Thiết bị Bưu điện tạm dừng thực hiện việc phá dỡ, thi công xây dựng, thực hiện đầu tư Dự án.
Đồng thời, Công ty CP Thiết bị Bưu điện phải đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực dự án.
Công trình tại số 61 Trần Phú vốn dĩ là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn. Công trình nằm trên khu đất có tổng diện tích khoảng 9.000m2 nhưng sau khi UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án công trình đa chức năng POSTEF, do Công ty CP Thiết bị Bưu điện làm chủ đầu, công trình này đã được phá dỡ để khởi công xây dựng công trình đa chức năng thương mại cao 11 tầng nổi, 1 tầng tum (chiều cao tối đa 42,9 m), 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329 m2 với mức đầu tư 1.574 tỷ đồng. Việc phá dỡ một công trình cổ kính đã khiến không ít cư dân Thủ đô đặt câu hỏi về sự hợp lý khi một tòa cao ốc 11 tầng nổi, 1 tầng tum và 6 tầng hầm đặt giữa trung tâm quận Ba Đình. |