Một nhóm các nhà thiên văn học dẫn dắt bởi giáo sư Marcin Glowacki vừa phát hiện ra một thứ thú vị tại vùng không gian cách chúng ta 5 tỷ năm ánh sáng. Trong buổi gặp gỡ báo giới, các nhà khoa học đã công bố khám phá mới.
Sử dụng kính viễn vọng MeerKAT đặt tại Nam Phi, các nhà khoa học đã bắt được tín hiệu của một dòng laser sóng vô tuyến cực mạnh, với thuật ngữ chuyên môn là “megamaser”. Trước đây, giới khoa học chưa từng phát hiện một megamaser nào ở vị trí xa tới vậy; ánh sáng từ hiện tượng không gian này đã đi hết 58 ngàn tỷ kilomet để tới được Trái Đất.
Từ đâu megamaser thành hình? Theo những gì ta biết, nó xuất hiện khi hai thiên hà va vào nhau một cách thô bạo.
“Khi thiên hà va chạm, khí ga trong chúng đặc quánh lại, và có thể tác động ép các dòng ánh sáng phóng ra ngoài”, giáo sư Glowacki nhận định. “Đây là sự kiện megamaser thuộc dạng hydroxyl đầu tiên được kính MeerKAT phát hiện, và cũng là sự kiện nằm xa nhất [trong lịch sử]. Thật đáng ngạc nhiên, chỉ với một đêm quan sát, chúng tôi đã phát hiện ra một megamaser mang tính kỷ lục. Điều đó cũng cho thấy kính viễn vọng mạnh mẽ nhường nào”.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho sự kiện megamaser này là “Nkalakatha”, phát âm “ng-ku-la-ku-ta”, nghĩa là “sếp lớn” trong tiếng isiZulu.
Trong nghiên cứu tiếp theo, nhóm sẽ tập trung vào tìm nguồn phát ra Nkalakatha. May mắn thay, vùng trời nơi tìm thấy megamaser đã đang được quan sát bởi nhiều kính thiên văn, ứng dụng những công nghệ khác nhau như tia X, quang học hay hồng ngoại. Việc xác định điểm xuất phát của megamaser không khó, nhưng nghiên cứu cũng sẽ không dừng lại tại đây.
Nhóm tiếp tục lên kế hoạch theo dõi vận động của megamaser, và miễn là dự án tiếp diễn, chúng ta sẽ còn chứng kiến những phát hiện mới.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về nghiên cứu theo đường link này.