Doanh nghiệp

Là mảnh đất màu mỡ với giá trị lên đến 40 tỷ USD, loạt thương hiệu F&B Singapore chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên cho chiến dịch xuất ngoại 2022

Với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân cải thiện cùng nhu cầu chi tiêu gia tăng đang đưa Việt Nam trở thành điểm đến thu hút của loạt thương hiệu F&B trên thế giới. Thực tế, suốt thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tên tuổi lớn từ nhà hàng ẩm thực, cà phê, trà sữa… thâm nhập và khai thác thị trường qua mô hình nhượng quyền thương hiệu như Gogi, Kichi Kichi, Sumo, Don Chicken…

Bước sang giai đoạn 2020-2021, ảnh hưởng của đại dịch tác động không nhỏ đến thị trường nói chung cũng như tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng. Song, Việt Nam trong mắt nhà đầu tư vẫn là một mảnh đất vô cùng màu mỡ ở hiện tại lẫn tương lai. Theo BMI, Việt Nam hiện là một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất trên toàn cầu và xếp thứ 10 tại châu Á vào năm 2019.

Trong đó, ăn uống bên ngoài đang trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại do nhu cầu giao tiếp, gặp gỡ tăng mạnh; song song là tầng lớp trung lưu cũng gia tăng nhanh chóng. Theo một thống kê gần đây, đến 21% ngân sách chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình Việt Nam là dành cho ăn uống. Với tỷ trọng lớn nhất đó, thị trường thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng trưởng gần 12% (giai đoạn 2018-2021) và đạt con số 40 tỷ USD vào năm 2021 (theo Business Monitor International Ltd).

Chưa kể, Việt Nam đang là một đất nước có cơ cấu dân số vàng với số lượng người trẻ chiếm một phần khá lớn, lên đến 32% trong tổng dân số và họ cũng là những khách hàng chịu chi hơn so với các thế hệ khác. Ngoài ra, đa số họ đều trong độ tuổi lao động, vốn bận rộn, ít có thời gian nấu ăn nên việc ăn ngoài đã dần trở thành nhu cầu thiết yếu.

Với những luận điểm trên, ngành F&B nước ta được đánh giá cao về tiềm năng phát triển lâu dài. Và dĩ nhiên, rất nhiều thương hiệu lớn đã và đang lên kế hoạch gia nhập. Trong động thái mới nhất, loạt thương hiệu F&B từ Singapore đồng loạt đến Việt Nam trong năm thông qua MakanSingapore (Hội chợ nhượng quyền thương hiệu F&B), bao gồm Beach Road Scissor-Cut Curry Rice, Tuan Yuan Pork Ribs Soup, Pin Wei Chee Cheong Fun, Cơm gà Hải Nam Tiong bahru, Kim’s Place...

"Việt Nam là thị trường đầu tiên chúng tôi quyết định cho chiến dịch xuất ngoại do triển vọng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ và bối cảnh tiêu dùng thuận lợi - mọi người sẵn sàng thử các khái niệm mới và sẵn sàng chi trả để có những trải nghiệm ăn uống tuyệt vời", người trong cuộc cho hay.

Cũng theo vị này, cả ẩm thực Việt Nam và Singapore đều có chung hương vị châu Á riêng biệt (ví dụ như ngọt, cay, mặn; sự pha trộn của hương vị phong phú), phong cách nấu ăn truyền thống cũng như phức tạp đòi hỏi sự tận tâm đi kèm kỹ năng.

Bữa ăn chung còn được nhấn mạnh ở cả hai nền văn hóa nơi thức ăn là cơ sở để dành thời gian cho gia đình và bạn bè.

Hơn hết, Việt Nam là một quốc gia rộng lớn hơn nhiều so với Singapore và với đa dang địa hình và thói quen vùng miền, có rất nhiều hương vị và ẩm thực. Singapore tuy là một quốc gia nhỏ nhưng văn hóa ẩm thực của người Singapore rất đa dạng; bao gồm các món ăn từ bốn chủng tộc chính: Trung Quốc, Mã Lai, Ấn Độ và Á-Âu. Như vậy, cả ẩm thực Singapore và Việt Nam đều có khẩu vị rất đa dạng. Cũng có thể nói rằng nền ẩm thực của Singapore và Việt Nam đang không ngừng mở rộng khi mọi người rất muốn thử những trải nghiệm ẩm thực mới lạ.

Trong đó, các thương hiệu Singapore trong lộ trình của mình sẽ vào thị trường nước ta qua mô hình nhượng quyền thương mại, bao gồm:

+ Mô hình nhượng quyền hoàn toàn: chủ đầu tư nhận giấy phép xây dựng và bán thương hiệu tại Việt Nam (cho một thành phố nhất định); lúc đó những gì họ phải làm là nấu ăn, phục vụ và duy trì thương hiệu trong nước.

+ Mô hình quản lý nhượng quyền: là khi người lao động như đầu bếp hoặc đội ngũ phục vụ đến từ thương hiệu ở Singapore sẽ quản lý từ đầu đến cuối, ví dụ: toàn bộ hoạt động kinh doanh; tất cả những gì nhà đầu tư phía Việt Nam cần làm là quyết định đầu tư và hợp tác.

+ Liên doanh: doanh nghiệp Singapore sẽ tham gia đầu tư một cổ phần nhỏ để đảm bảo quản trị và thành công lâu dài và đối tác địa phương sẽ phân chia trách nhiệm dựa trên thỏa thuận.

Đại diện thương hiệu One Prawn Noodle (Mì Một Tôm) cũng chia sẻ thêm: "Ẩm thực luôn là tấm gương phản ảnh văn hoá. Và One Prawn Noodle hướng đến điều này khi các món ăn được yêu thích trên menu của chúng tôi đều thể hiện sự đa dạng trong khẩu vị của khách hàng. Khi tham gia vào thị trường Việt Nam, chúng tôi muốn đưa nền văn hoá bản địa đặc sắc nơi đây vào trong công thức nấu ăn nhằm tạo ra một sự kết hợp khẩu vị hài hoà cho khách hàng nơi đây mà vẫn giữ được bản sắc của món mì đặc trưng của One Prawn.

Chúng tôi cũng đã triển khai thực hiện sản xuất tập trung hoá gói gia vị nấu súp (nước dùng mì) nhằm giúp các đối tác nhượng quyền có thể dễ dàng đảm bảo chất lượng đồ ăn và tối đa hoá hiệu quả kinh doanh.

Việc sản xuất tập trung hoá gói gia vị nấu súp này sẽ là cơ sở cho các kế hoạch mở rộng của chúng tôi nhằm đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể có được trải nghiệm ăn uống chất lượng như nhau cho dù họ ở Singapore hay Việt Nam. Chúng tôi đặt mục tiêu mở ít nhất một cửa hàng tại mỗi thành phố trên thế giới, bắt đầu từ Việt Nam".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm