Đúng như dự báo, áp lực bán tháo đã tăng mạnh khi giá vàng quốc tế tiếp cận gần mức 1.800 USD/oz. Theo đó, sau khi chạm 1.787 USD/oz, giá vàng quốc tế đã sụt giảm mạnh trong 3 phiên giao dịch liên tiếp, có thời điểm xuống tới mức 1.747 USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 1.750 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC chỉ gần như đi ngang quanh mức 67,4- 67,6 triệu đồng/lượng và vẫn cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế quy đổi.
Sở dĩ giá vàng chịu áp lực bán tháo trong những phiên giao dịch cuối tuần này do các quan chức FED vẫn “mạnh miệng” tuyên bố FED sẽ tiếp tục thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ dù lạm phát Mỹ đã liên tục sụt giảm trong thời gian qua. Trong đó, Phó Chủ tịch FED Lael Brainard cho rằng mặc dù Fed đã "làm rất nhiều", nhưng họ vẫn còn "nhiều việc phải làm", có nghĩa FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Còn Chủ tịch FED St. Louis James Bullard cảnh báo rằng FED vẫn sẽ cần tăng lãi suất lên ít nhất 5,25%...
Dù kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại mức 2,6% trong quý 3/2022 sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp, nhưng lạm phát của Mỹ vẫn đang ở mức cao. Việc tăng lãi suất của FED và sự cải thiện tổng thể trong chuỗi cung ứng đang bắt đầu làm giảm tỷ lệ lạm phát, nhưng còn quá sớm để biết liệu lạm phát có thực sự bắt đầu đi xuống hay không. Do đó, việc FED tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát là khó tránh khỏi.
Khi FED kiềm chế lạm phát, chi phí đi vay thậm chí còn tăng cao hơn, nhất là đối với các khoản thế chấp, vay mua ô tô và vay kinh doanh. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp và các hộ gia đình khó vay hoặc trả nợ hơn. Chúng ta đã thấy điều này trên thị trường nhà đất, nơi mà lãi suất trung bình của khoản thế chấp kỳ hạn 30 năm khoảng 7%/năm vào năm 2009.
Ông Christopher Thornberg, Giám đốc UC Riverside, nhận định nếu FED tiếp tục chống lạm phát, thì sẽ đẩy lãi suất lên cao, làm “hạ nhiệt” thị trường tài chính một cách mạnh mẽ và có thể tạo ra một cuộc suy thoái kinh tế vào năm tới do người dân cắt giảm tiêu dùng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu hành động của FED không thỏa đáng, Mỹ có thể sẽ chứng kiến một vài năm tăng trưởng rất yếu.
“FED đã đi từ tăng tốc tối đa – kích thích trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát… đến kìm hãm tối đa – thắt chặt tiền tệ trong vòng một năm. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sự bất ổn trong nền kinh tế, ngay cả trong nền kinh tế lành mạnh nhất”, ông Christopher Thornberg nhận định.
Điều này cũng đã được phản ánh vào thị trường tài chính khi đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã đảo ngược mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Đây là tín hiệu mà FED có có thể bỏ qua.
Giá vàng dài hạn vẫn còn triển vọng tích cực.
Mặc dù có sự đồng thuận giữa nhiều chuyên gia rằng suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và suy thoái kinh tế Mỹ nói riêng có thể xảy ra vào năm 2023, nhưng không thể dự đoán mức độ nghiêm trọng của nó hoặc nó sẽ kéo dài bao lâu. Do đó, các chuyên gia cho rằng, FED có thể sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô tăng lãi suất trong các kỳ họp tới, có thể sẽ chỉ tăng khoảng 0,5% lãi suất trong cuộc họp tháng 12, thậm chí sẽ tiếp tục giảm mức độ tăng lãi suất trong các kỳ họp sau đó.
Mặc dù vậy, giá vàng ngắn hạn chưa thể tăng mạnh do lãi suất kỳ vọng vẫn tiếp tục tăng; USD có thể tiếp tục giảm, nhưng vẫn ở mức cao; nhu cầu vàng vật chất vẫn ở mức thấp dù đã bước vào mùa cưới, lễ hội… Tuy nhiên xét về dài hạn, các chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tăng mạnh, có thể sẽ quay trở lại vùng 1.900- 2.000 USD/oz, do nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, buộc FED phải cắt giảm lãi suất để đưa chính sách tiền tệ trở lại trạng thái bình thường.
Ông Frank Cholly, Chuyên gia phân tích cao cấp của RJO Futures, cho biết hiện thị trường vàng đang chứng kiến một số hoạt động chốt lời khi giá vàng tiến tới vùng 1.800 USD/oz. Nếu giá vàng tuần tới đóng cửa dưới 1.750 USD/oz, thì sẽ là tín hiệu tiêu cực. Theo đó, giá vàng tuần tới có thể tiếp tục giảm mạnh hơn nữa, nhất là khi giá vàng tuần tới đóng cửa dưới mức 1.725 USD/oz.