Theo tạp chí Newsweek, một vận động viên bơi đường dài 58 tuổi, ông Ben Lecomte, đã phát hiện nhiều sinh vật khác nhau tại Đảo rác Thái Bình Dương (Great Pacific Garbage Patch - GPGP) nằm giữa Hawaii và California. Đây cũng là khu vực tưởng chừng không có loài sinh vật nào tồn tại vì quá ô nhiễm.
Lecomte thực hiện quãng đường bơi khoảng 6.000 km trong vòng 8 giờ ở đảo rác này nhằm thu thập nhựa từ biển để các nhà khoa học phân tích.
Rồng biển xanh, một trong những sinh vật được Lecomte tìm thấy - Ảnh: KESQ
Tuy nhiên, sau khi tiến sâu hơn vào khu vực của đảo rác, Lecomte đã phát hiện ra một hệ sinh thái neuston, hay được biết đến là nơi ở của các sinh vật sống trên bề mặt đại dương hoặc cửa sông. Trong đó, có loài rồng biển xanh, ốc sên tím và một loài sứa thuộc họ lông châm.
Tạp chí Newsweek cho biết: "Phát hiện này rất thú vị vì những sinh vật thuộc hệ sinh thái neuston rất khó tìm thấy, đồng thời những hiểu biết về chúng cũng rất ít đối với các nhà khoa học".
Theo bà Rebecca Helm, trợ lý giáo sư tại Đại học Bắc Carolina, phát hiện bất ngờ của Ben Lecomte tại nơi được ông mô tả là "có rất nhiều rác cũng như có nồng độ vi nhựa cực cao" đã mở ra rất nhiều điều thú vị cho các nhà khoa học.
Bà Helm cho biết phát hiện này giúp các nhà khoa học đánh giá về khả năng sinh sống của các loài sinh vật dưới lớp bề mặt rác trên đại dương. Đồng thời giúp nhóm của bà nghiên cứu kỹ hơn về rác nhựa trên bề mặt đại dương, cũng như giúp họ đánh giá lại các phương án dọn dẹp rác tại vùng biển Thái Bình Dương, vì lưới vớt rác của họ có thể vô tình làm các sinh vật, vốn rất quan trọng với hệ sinh thái biển, bị tổn thương.