Ngày 24-10, sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu nêu.
Trong đó, tân Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã làm rõ về vấn đề thiết chế Hội đồng y khoa. Theo Bộ trưởng, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề. Tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện.
Bộ trường Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
"Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh, đồng thời, kế thừa luật hiện hành, dự thảo luật quy định Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Nữ Bộ trưởng cho biết thêm việc quy định giao Hội đồng Y khoa tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trên thực tế, mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia này đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề. Vì vậy, đã sẵn sàng cho việc đánh giá năng lực hành nghề theo lộ trình đã được xác định trong dự thảo luật.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định là cụ thể, là phù hợp.
Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, dự thảo luật đưa ra 3 cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật. Trong dự thảo đã nêu cụ thể là khám, chữa bệnh ban đầu, cơ bản và chuyên sâu theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Trung ương.
"Việc phân thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật sẽ thiết lập hệ thống chuyển tuyến theo cấp độ chuyên môn và bảo đảm sự kết nối trong cung ứng dịch vụ giữa các cấp chăm sóc. Phương án này cũng tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển cơ sở y tế, đảm bảo tính liên thông, liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện, khắc phục bất cập về thanh toán bảo hiểm y tế giữa các tuyến" - Bộ trưởng cho hay.
Người đứng đầu Bộ Y tế cũng giải trình, làm rõ vấn đề rất nhiều đại biểu quan tâm đó là xã hội hóa, tự chủ trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên thời gian phiên làm việc buổi sáng đã hết, chủ toạ điều hành phiên thảo luận đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật.
Trước đó, nêu ý kiến về nội dung Hội đồng y khoa được nêu trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng Hội đồng Y khoa là một nội dung tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này như theo thông lệ quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đồng ý với đại đa số ý kiến trong Điều 24 dự thảo luật quy định để Hội đồng Y khoa độc lập, nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng, sai trong các tai biến y khoa để tránh lúng túng trong thực tiễn.