Bộ Chính trị vừa có Kết luận số 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo , đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa; thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.
Về định hướng nghề nghiệp, Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường định hướng cho thanh thiếu niên ngay từ bậc học phổ thông; đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; quan tâm đầu tư, phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới.
Đối với chính sách tiền lương , Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ, thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.