Trong đó, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 295.888 tỷ đồng; nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 81.269 tỷ đồng; vốn tăng thu ngân sách Trung ương các năm 2021, 2022, 2023 là 19.278 tỷ đồng.
Đến hết năm 2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch hàng năm 291.922 tỷ đồng. Như vậy, số kế hoạch đầu tư còn lại 104.513 tỷ đồng.
Cùng với đó, Vụ Kế hoạch - Đầu tư đã họp với các chủ đầu tư, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam, đề xuất nhu cầu kế hoạch năm 2025 của Bộ khoảng 77.624 tỷ đồng trên số kế hoạch còn lại, tương ứng tăng khoảng 5.172 tỷ đồng so với báo cáo trước đây.
"Như vậy, kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 không sử dụng hết khoảng 26.889 tỷ đồng, với 14.511 tỷ đồng vốn nước ngoài và 12.378 tỷ đồng vốn trong nước", Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết.
Nhiều dự án đăng ký thấp hơn dự kiến
Theo kết quả rà soát, một số chủ đầu tư đăng ký nhu cầu kế hoạch năm 2025 cho các dự án phải hoàn thành trong năm 2025 hoặc sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn sau nhưng thấp hơn vốn trung hạn được bố trí.
Với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, 2023, về nguyên tắc nguồn vốn này phải giải ngân hết trong năm 2025, nhưng các chủ đầu tư đăng ký thấp hơn nguồn vốn dự kiến được bố trí khoảng 6.875 tỷ đồng đối với 7 dự án.
Đó là các dự án: Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn; tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; Quốc lộ 24B Quảng Ngãi; nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1; cầu Cẩm Lý; La Sơn - Hoà Liên; Cam Lộ - La Sơn.
Bên cạnh đó, các dự án vốn trong nước phải hoàn thành năm 2025 hoặc chuyển tiếp sang giai đoạn sau cũng giảm nhu cầu kế hoạch trung hạn khoảng 4.899 tỷ đồng của 6 dự án, bao gồm: Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn; cầu Đại Ngãi; cầu đường sắt Đuống; cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Cao Lãnh - Lộ Tẻ.
Ngoài ra, các dự án ODA cũng giảm 10.466 tỷ đồng (gồm 8.858 tỷ đồng vốn nước ngoài và 1.608 tỷ đống vốn trong nước) với 9 dự án: Tân Vạn - Nhơn Trạch; Mỹ An - Cao Lãnh; đường sắt Hòa Duyệt - Thanh Luyện; đường thủy và logistics khu vực phía Nam; kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; cầu yếu trên các quốc lộ giai đoạn 2; đường sắt đèo Khe Nét; cầu yếu trên các quốc lộ giai đoạn 1; cầu Ninh Cường trên Quốc lộ 37B.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, chuẩn xác lại nhu cầu kế hoạch năm 2025 trên nguyên tắc bảo đảm đủ vốn hoàn thành, thực hiện các dự án theo đúng tiến độ phê duyệt.
Đặc biệt, các dự án cao tốc Bắc - Nam bảo đảm bố trí đủ kinh phí đầu tư các hạng mục giao thông thông minh, thu phí không dừng, kiểm soát tải trọng xe và hoàn thành năm 2025.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư cũng đề nghị các đơn vị phấn đấu đăng ký nhu cầu giải ngân tối đa kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 còn lại trong kế hoạch năm 2025 của toàn bộ các nguồn vốn đã được Thủ tướng giao và dự kiến giao.
Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch năm 2024
Năm 2024, Bộ GTVT được giao 59.275 tỷ đồng vốn đầu tư công, cùng với khoảng 3.329 tỷ đồng từ nguồn vốn được kéo dài giải ngân kế hoạch năm 2023 sang năm 2024 và 13.220 tỷ đồng từ các nguồn bổ sung khác. Tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 của Bộ GTVT dự kiến khoảng 75.824 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, dự kiến cả năm 2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 74.680 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch (4.428 tỷ đồng vốn ODA, 70.252 tỷ đồng vốn trong nước). Tính đến hết tháng 7, Bộ đã giải ngân khoảng 30.794 tỷ đồng, đạt 49,2% kế hoạch.
Với mục tiêu giải ngân 100% năm 2024, Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Vụ sẽ theo dõi tình hình giải ngân, kịp thời báo cáo Bộ trưởng điều hòa linh hoạt từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao.
Đồng thời, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.