Sự tưng bừng đã trở lại với các cổ phiếu đầu cơ sau thời gian "nếm mật nằm gai". Lực cầu bắt đáy mạnh mẽ đã đảo ngược từ giảm sàn thành tăng trần, điệp khúc trắng bên mua đổi thành trắng bên bán làm nên sức hút mạnh mẽ của giao dịch đầu cơ.
Dù không trải qua sóng gió "nằm sàn la liệt", song mã PTC của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu Điện cũng thu hút sự chú ý khi hút dòng tiền mạnh mẽ trong thời gian ngắn với mức tăng bằng lần.
Cụ thể, PTC trở thành tâm điểm sự chú ý khi có 11 phiên liên tiếp tăng kịch trần vào tháng 11. Sau chuỗi ngày tăng "nóng", PTC có những nhịp điều chỉnh nhẹ song lại tiếp tục leo dốc và lập đỉnh lịch sử. So với mức giá 10.400 đồng vào ngày 1/11/2021, cổ phiếu này đã tăng gấp 5,8 lần lên mốc 60.500 đồng/cp (chốt phiên 16/2).
Đi kèm với đà tăng của thị giá, thanh khoản của PTC cũng được cải thiện đáng kể. Từ một cổ phiếu gần như không có giao dịch, khối lượng khớp lệnh trung bình của mã này tăng lên đến hàng trăm nghìn đơn vị, thậm chí có phiên cán mốc triệu đơn vị khớp lệnh.
Hoạt động kinh doanh chính của PTC trước đây là xây lắp các dự án bưu chính viễn thông. Tuy nhiên thời gian gần đây, công ty đã dịch chuyển sang hướng đầu tư tài chính. Do đó trong 5 quý gần nhất, PTC không phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh, thay vào đó nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động tài chính.
Tính chung cả năm 2021, doanh thu của PTC bằng 0, song nhờ nguồn thu tài chính tăng đột biết lên hơn 86 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế 57 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với năm trước.
Khoản lãi đầu tư tài chính của PTC chủ yếu đến từ việc đầu tư chứng khoán. Tỏng năm 2021, lãi kinh doanh chứng khoán ghi nhận đạt gần 74 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 34 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đầu tư chứng khoán, PTC đang có khoản đầu tư 14 tỷ đồng vào CTCP Cáp quang Việt Nam Vina – OFC, khoản đầu tư vào CTCP Điện gió Hướng Linh 7 và CTCP điện gió Hướng Linh 8 với giá trị lần lượt là gần 148 tỷ đồng và 166 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tuy có lãi lớn nhờ nguồn thu tài chính, song PTC vẫn chưa thoát khỏi diện kiểm soát từ năm 2018 do "những vấn đề ngoại trừ trên BCTC kiểm toán tồn tại đã lâu, công ty chưa khắc phục và có khả năng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như tình hình tài chính".
Một điểm đáng chú ý, trong khi cổ phiếu tăng "phi mã", lãnh đạo PTC cũng có xu hướng thoái vốn, rút lui khỏi doanh nghiệp. Mới đây nhất là thương vụ thoái vốn của bà Phạm Thị Thu Hà - Chủ tịch HDQT PTC khi bán ra toàn bộ 8,7 triệu cổ phiếu, tương đương 48,4% vốn điều lệ PTC nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân. Sau khi thương vụ hoàn tất, vị Chủ tịch HĐQT không còn nắm giữ cổ phiếu tại PTC.
Đồng thời, chồng bà Hà là ông Võ Anh Linh cũng đã bán 3,88 triệu cổ phiếu PTC từ ngày 7/1. Nếu giao dịch diễn ra thành công, ông Linh chỉ còn nắm giữ 500 nghìn cổ phiếu PTC, tương đương 2,77% vốn điều lệ.
Bên cạnh các giao dịch kể trên, PTC cũng đã bán xong 1,7 triệu cổ phiếu quỹ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. BCTC quý 3/2021 của công ty ghi nhận số cổ phiếu quỹ này của công ty có giá trị hơn 11 tỷ đồng, tương ứng giá vốn bình quân mua vào chưa đến 6.100 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó giá bán ra bình quân 38.841 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 66 tỷ đồng.
Được biết các giao dịch trên gắn với việc "đổi chủ" của PTC và công ty sẽ chuyển hướng sang hoạt động đầu tư tài chính. Các thay đổi này sẽ được công bố tại ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 17/2.
Vỗ dĩ thị trường chứng khoán "vàng thau lẫn lộn" và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư vào những cổ phiếu "trà đá rau dưa" kinh doanh bết bát sẽ mang tính chất may rủi theo kiểu đánh bạc hơn là đầu tư tài chính. Đặc biệt, năm 2022 chứng khoán dự báo không còn dễ dàng mà đòi hỏi nhà đầu tư phải "đãi cát tìm vàng" để lựa được cổ phiếu tốt. Do đó, nhà đầu tư nên cẩn trọng khi đưa ra quyết định đầu tư vào những cổ phiếu tăng "nóng" trong khi nội tại yếu kém.