Kỹ năng sống

Biến đất hoang thành ngôi nhà ngập sắc hoa

Gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở huyện Krông Pắc từng sống trong một căn nhà nhỏ ở phố huyện, gần mặt đường lớn để bán đồ ăn sáng.

Đất chật, người đông, cổng nhà luôn phải đóng chặt vì bụi bặm nên hai con nhỏ thiếu chỗ vui chơi, cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Không gian sống tù túng khiến trẻ hay ốm vặt, người mẹ vì thế cũng sinh tính cáu gắt.

Để giảm căng thẳng, biết vợ thích cây cối nên chồng chị xin đất đổ vào từng thùng nhỏ trồng rau, nhưng cứ nhú lên khỏi mặt đất lại bị sâu ăn trụi lá.

"Lúc đó tôi chỉ mơ ước có một mảnh vườn và khoảng sân nhỏ để gia đình được hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ", người phụ nữ 30 tuổi kể.

Ngôi nhà bị bỏ hoang trước khi được cải tạo. Trước đó vợ chồng Thảo đã chặt hết cây to xung quanh ngôi nhà cũng như phát quan bụi rậm để có đường vào nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngôi nhà bị bỏ hoang trước khi được cải tạo. Trước đó vợ chồng Thảo đã chặt hết cây to xung quanh cũng như phát quang bụi rậm để có đường vào nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2022, Thảo bàn với chồng mua lại mảnh đất hoang 3.000 m2 nằm gần cánh đồng nên ít người qua lại. Cô muốn cải tạo làm nơi ở mới, thỏa ước mơ làm chủ cuộc sống như ý muốn.

Khu đất của họ đã bị bỏ hoang hơn chục năm nên cây to cây nhỏ mọc kín lối, xung quanh đầy rắn rết. Vợ chồng chị Thảo vừa đi vừa lấy dao phát quang hai bên mới chui vào được bên trong.

"Đứng trước một đống hoang tàn, chúng tôi không biết nên bắt đầu từ đâu vì có quá nhiều việc phải làm", Thảo nhớ lại.

Việc đầu tiên hai vợ chồng thực hiện là chặt cây dọn đường, thuê máy san bằng đất để có lối đi lại. Không có nhiều chi phí, họ dành nửa tháng để tự cưa cây to trong vườn. Đến lớp cây nhỏ hơn phải dùng dao chặt, sau thuê máy đào rễ rồi gom lại đốt.

Khi phần đất tạm ổn, họ quay sang sửa chữa ngôi nhà cùng căn bếp có sẵn. Nhà bỏ hoang nên cũ bẩn và hoang tàn, phải thay hết mái tôn, tróc vôi vữa rồi sơn sửa lại. Giếng nước bị sập cũng cần nạo vét, đường điện tự kéo từ đầu đường về. Ngày nào hai vợ chồng cũng bắt đầu công việc từ sáng sớm và kết thúc khi trời tối mịt, không có ngày nghỉ.

=>> Xem thêm khu vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Thảo

Trước khi về vườn, Thảo có ít kinh nghiệm làm rẫy nhưng kiến thức trồng trọt rơi rụng gần hết. Nắng gió Tây Nguyên khắc nghiệt kết hợp với đất cứng như đá, cỏ làm sạch được đằng trước lại mọc đằng sau khiến nhiều lúc người phụ nữ này đuối sức. Chưa kể vợ chồng còn bỏ dở công việc để tập trung tu sửa, dọn dẹp đất hoang nên mất nguồn thu nhập chính.

Sau hai tháng làm nông dân, cả Thảo và chồng đều sụt cân, đen nhẻm vì phơi mình ngoài nắng cuốc đất, dọn cỏ mỗi ngày. Có nhiều hôm say nắng, cơm đưa lên miệng chán chẳng buồn ăn, họ phải uống sữa cầm hơi. Họ hàng, bạn bè biết chuyện đều mắng: "Ở phố sướng không muốn lại chui về sống ở nhà hoang". Nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm và động viên nhau "khó khăn chỉ là ban đầu".

"Tôi học được tính nhẫn nại khi về vườn. Lúc bế tắc, chỉ cần ngắm cây cỏ đâm chồi nảy lộc là âu lo vơi đi nhiều", bà mẹ hai con nói.

Ngôi nhà sau hai năm được cải tạo, trồng rau và hoa xung quanh nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngôi nhà sau hai năm được cải tạo, trồng rau và hoa xung quanh nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vì không đủ kinh phí nên vợ chồng chị tự tay làm hết mọi công đoạn, tận dụng những thứ người khác bỏ đi để cải tạo, thiết kế cảnh quan khu vườn. Họ tìm mua những cây cà phê bị nhổ bỏ làm hàng rào và cổng, chặt tre xung quanh nhà làm giàn bầu bí và tự đóng bàn ghế.

Mảnh đất sau đó được chia làm hai phần. Một bên trồng cây ăn trái dài ngày như vú sữa, chôm chôm, roi ngoài ra còn một số cây to do chủ cũ để lại như vải, bơ, mãng cầu. Phần đất còn lại dành cho trồng rau, hoa cũng như làm chuồng gà, vịt, chim bồ câu vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa bán khi có dư.

Trong vườn, chị Thảo trồng rất nhiều loại hoa như sử quân tử, hoa hồng, tigon, sao nhái. Rau xanh chị cũng chọn những loại phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Đăk Lăk như củ cải, rau muống, rau ngót, mồng tơi. Vì muốn gia đình có thực phẩm sạch để dùng nên chị không dùng phân bón hóa học mà chỉ trộn đất cùng trấu và tự ủ phân bò hoai mục bón cho rau. Mỗi mùa vụ, người phụ nữ hai con lại thử nghiệm vài giống mới, tò mò chờ thành quả để các thành viên trong gia đình thưởng thức.

Vào vụ thu hoạch, ngoài sử dụng trong gia đình, một số loại nông sản, trái cây được Thảo đem ra chợ bán. Sau khi vườn tược đã ổn định, chị còn kinh doanh thêm nông sản online, tăng thu nhập cho gia đình.

Chị Thảo thu hoạch rau trong vườn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Thảo thu hoạch rau trong vườn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ khi chuyển về nhà mới, Thảo thấy chất lượng sống của mình và gia đình tăng lên. Nơi ở rộng rãi, thực phẩm lành mạnh hơn nên sức khỏe mọi người được cải thiện đáng kể. Người phụ nữ này còn học cách nấu những món ăn mới, làm bánh, chế thuốc sâu từ thảo dược. Ngay cả những cọng rau già không ăn tới cũng được ủ thành phân vi sinh, đủ ngày sẽ bón lại cho vườn.

"Mỗi sáng thức dậy được hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chim hót, tự tay hái rau sạch, trái ngọt do mình trồng rồi vào bếp nấu một bữa cơm ngon thấy cuộc sống ý nghĩa đến thế", Thảo nói.

Người phụ nữ này nhận ra, cô cảm thấy vui vẻ, phấn chấn vì được là chính mình khi mỗi ngày được ngồi hàng giờ bên những khóm hoa, khóm rau, được hít căng lồng ngực không khí mát lành, có mùi ngai ngái của đất và mùi tươi mới của cỏ cây, hoa lá.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm