Chứng khoán

Bị rút ròng gần 1.500 tỷ đồng từ đầu năm, quy mô của VN30 ETF xuống thấp nhất trong vòng 15 tháng

Thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi từ đầu tháng 4 khiến hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất và quy mô của các quỹ ETF. Theo thống kê, quy mô của DCVFM VN30 ETF (mã E1VFVN30) đã liên tục giảm sau khi đạt đỉnh vào cuối năm ngoái và hiện đã rơi xuống mức 7.600 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng hơn 15 tháng trở lại đây.

ETF (Exchange Traded Fund) là quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể. Danh mục của ETF gồm một rổ chứng khoán có thành phần như chỉ số mà nó mô phỏng và được cơ cấu theo thời gian định trước tương ứng với sự mô phỏng của chỉ số (thường là hàng quý). Nhà quản lý ETF không cần liên tục tái cơ cấu danh mục của quỹ mà chỉ cần bám sát theo rổ chứng khoán của chỉ số mục tiêu.

Bị rút ròng gần 1.500 tỷ đồng từ đầu năm, quy mô của VN30 ETF xuống thấp nhất trong vòng 15 tháng - Ảnh 2.

Quy mô VN30 ETF xuống thấp nhất trong 15 tháng

Quy mô bị thu hẹp, hiệu suất của VN30 ETF cũng không mấy khả quan khi âm gần 19% từ đầu năm. Con số này đỡ tệ hơn VN-Index nhưng lại thua xa so với "người anh em" cùng do Dragon Capital quản lý là DCVFM VNDiamond ETF (mã FUEVFVND). Ngoài những yếu tố khách quan do biến động của thị trường chung, việc VN30 ETF có hiệu suất tệ phần nào có nguyên nhân đến chất lượng danh mục.

DCVFM VN30 ETF là quỹ ETF mô phỏng theo rổ VN30 gồm 30 cổ phiếu lớn nhất thị trường đáp ứng các tiêu chí về vốn hóa, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi tự do – free float và thanh khoản. Với các tiêu chí trên, VN30 khó tránh khỏi để lọt vào rổ những cổ phiếu không thực sự chất lượng trong các đợt cơ cấu danh mục.

Yếu tố này cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hút tiền của VN30 ETF. Tính từ đầu năm, quỹ ETF này đã bị rút ròng gần 1.500 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, dòng tiền vào Diamond ETF từ đầu năm lên đến 5.300 tỷ đồng. Khác với VN30, rổ VNDiamond gồm có 18 cổ phiếu đáp ứng điều kiện tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ít nhất 95% trong đó MWG, FPT, REE, PNJ... là những cái tên có tỷ trọng lớn nhất. Đây đều là cổ phiếu đầu ngành trong các lĩnh vực "hot" như công nghệ, bán lẻ, năng lượng cùng khả năng tăng trưởng được đánh giá cao.

Bị rút ròng gần 1.500 tỷ đồng từ đầu năm, quy mô của VN30 ETF xuống thấp nhất trong vòng 15 tháng - Ảnh 3.

VN30 ETF bị rút ròng từ đầu năm

Việc VN30 ETF bị rút ròng từ đầu năm có phần không nhỏ đến từ các nhà đầu tư Thái Lan. Theo tin từ Sở GDCK Thái Lan (SET), lượng chứng chỉ lưu ký (DR - Depositary Receipt) dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VN30 ETF do Bualuang Securities phát hành đã giảm đáng kể từ mức 195,4 triệu đơn vị cuối năm 2021 xuống còn 179,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 5,9 tỷ Bath (gần 4.000 tỷ đồng) vào cuối tháng 5/2022.

Chiều ngược lại, mới được IPO từ tháng 3/2022, lượng DR dựa trên DCVFM VNDiamond ETF đã gây sốt tại Thái Lan khi liên tục hút vốn mạnh. Đến cuối tháng 5, lượng DR FUEVFVND do Bualuang Securities phát hành đã lên tới 67,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2,8 tỷ Bath (khoảng hơn 1.900 tỷ đồng), gấp gần 3 lần thời điểm ban đầu.

Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và các chứng chỉ quỹ ETF là 1:1. Điều này đồng nghĩa sở hữu 1 DR cũng tương đương với việc nắm giữ 1 chứng chỉ quỹ E1VFVN30 hay FUEVFVND. Như vậy, tính đến cuối tháng 5, nhà đầu tư Thái Lan đang nắm giữ khoảng 5.900 tỷ đồng chứng chỉ quỹ ETF của Việt Nam.

DR là một loại chứng khoán có thể chuyển nhượng, được giao dịch trên sàn chứng khoán của nước sở tại nhưng đại diện cho một chứng khoán khác được phát hành bởi một công ty đại chúng đang niêm yết ở một quốc gia khác. DR chịu rủi ro về tỷ giá khi đồng tiền của nước sở tại tăng giá so với đồng tiền tại quốc gia mà chứng khoán được DR đại diện đang niêm yết.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm