Kim, 31 tuổi, nhân viên bán hàng, vừa có chia sẻ về cảm giác bị "kkondae" ở nơi làm việc. Và người được nhắc đến là quản lý của anh ta.
Trong tiếng Hàn, 'kkondae' là từ chỉ những người lớn tuổi thích ra lệnh và xem thường năng lực của nhân viên trẻ. Định nghĩa và cách sử dụng từ này cũng mở rộng qua nhiều năm, từ những người lớn tuổi trịch thượng đến sự xung đột với người trẻ về nhiều mặt và cả nỗi sợ bị gọi là 'kkondae' gia tăng.
Quản lý từng nói Kim không nên về nhà sau 18h. Giống như việc nhiều lãnh đạo tin rằng nhân viên ở lại văn phòng muộn đều chăm chỉ và phản ánh hiệu suất làm việc tốt hơn người về đúng giờ.
Kim cũng đề cập đến hoesik - hoạt động ăn uống, tụ tập sau giờ làm việc. Đa phần nhân viên già cho rằng, việc người trẻ từ chối các hoạt động này là điều cấm kỵ và không được phép. "Các kkondae thường ép nhân viên cấp dưới uống nhiều bia, rượu hơn trong các cuộc tụ tập", Kim kể.
Còn với Ha, 29 tuổi, làm việc trong một công ty quảng cáo, 'kkondae' là người chỉ nói về những điều họ muốn, không quan tâm đến người khác. "Họ liên tục nói lạc đề, ngay cả khi chúng tôi đang trò chuyện nhóm", Ha nói.
Kim và Ha đều thuộc thế hệ MZ (kết hợp giữa Millennials và thế hệ Z, là những người sinh từ 1980 đến 2010). Nhóm này được miêu tả là người theo chủ nghĩa cá nhân, biểu đạt cảm xúc nhiều và thẳng thắn hơn. Đây cũng là những người thường đấu tranh chống lại các 'kkondae' và dùng khái niệm này như cách thể hiện sự phản đối thế hệ cũ.
Ngoài nơi làm việc, xung đột giữa thế hệ MZ và kkondae còn xảy ra trong môi trường chính trị. Sau thất bại trong cuộc bầu cử, chính trị gia Park Ji-huyn, 26 tuổi, công khai kêu gọi những người cao tuổi trong Đảng Dân chủ từ bỏ các chức vụ lãnh đạo.
Park không gọi những người này là 'kkondae' mà sử dụng biệt ngữ chính trị là "thế hệ 586" – chỉ những người ở độ tuổi 50, vào đại học những năm 80 và sinh ra vào những năm 60.
Nhóm 586 được những đồng nghiệp trẻ gọi là "thế hệ may mắn", khi được sinh ra trong thời kỳ đất nước có tốc độ phát triển kinh tế cao, làm việc trong các tập đoàn lớn không phải cạnh tranh gay gắt và mua nhà khi còn trẻ.
Từ các trường hợp trên, 'kkondae' được sử dụng như một khái niệm mở rộng chỉ xung đột giữa người lớn tuổi và thế hệ trẻ.
Theo các chuyên gia, xung đột và khoảng cách thế hệ luôn tồn tại trong mọi xã hội, nhưng với Hàn Quốc là vấn đề cấp bách bởi dân số già nhanh, tuổi thọ tăng và kinh tế phát triển chậm lại. Thực tế, 'kkondae' trở nên thông dụng hơn khi ngày càng nhiều người trẻ nhận ra rằng thế hệ già đang bám lấy những đặc quyền đáng lẽ phải được chuyển giao cho thế hệ kế tiếp.
Shin Jin-wook, giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang, cho biết trong xã hội như Hàn Quốc, những thay đổi về mặt xã hội diễn ra trong thời gian ngắn, chắc chắn có khoảng cách lớn về nhận thức và văn hóa giữa các thế hệ. Điều này yêu cầu những nỗ lực để hiểu và giao tiếp trong mọi loại hệ thống xã hội, từ nơi làm việc, đảng phái chính trị đến các gia đình giữa ở các thế hệ rất quan trọng.
Khoảng cách thế hệ không thể phủ nhận, nhưng xung đột những năm gần đây phần lớn đến từ việc "dán nhãn một cách phóng đại" một số nhóm nhất định, như MZ và kkondae.
Nhưng chính những người nằm ngoài thế hệ MZ, đang giữ vị trí cấp quản lý hoặc lãnh đạo công ty, cũng sợ bị gọi là 'kkondae'.
Cô Park, 52 tuổi, nhân viên văn phòng luôn cố gắng cẩn trọng khi nói chuyện với các thành viên, để không tỏ ra trịch thượng. Ngay cả khi giao việc cho cấp dưới, nữ quản lý cũng cần cân nhắc và chắc chắn nhân viên có thể làm thay vì quá tải, tạo sự ức chế. Ngay cả việc hỏi các đồng nghiệp trẻ làm gì vào ngày nghỉ cũng khiến cô lo lắng vì không biết chúng có đang xâm phạm quyền riêng tư.
"Môi trường công sở thời nay rất khác so với lúc tôi là nhân viên mới. Khi ấy tôi phải làm mọi thứ được sai bảo. Còn nếu giữ lối suy nghĩ vào cuộc sống hiện tại, tôi sẽ trở thành một kknodae chính hiệu", Park nói.
Chae, trưởng nhóm tiếp thị ngoài 40 tuổi tại một công ty ở Seoul cũng có lo lắng tương tự. "Khi từ 'kkondae' được sử dụng rộng rãi, tôi lo lắng không biết các hậu bối sẽ nghĩ gì về mình khi bản thân nói hoặc làm một điều gì đó", anh nói.
Thừa nhận hệ thống cấp bậc dựa trên thâm niên làm việc có vấn đề, nhưng Chae cho rằng cách mà 'kkondae' được các phương tiện truyền thông miêu tả hiện nay, khiến anh có cảm giác việc phục tùng, đề cao người trẻ là đương nhiên.
"Người trẻ đôi khi dùng 'kkondae' để che giấu những suy nghĩ ích kỷ của bản thân, bới móc sai phạm để phàn nàn hơn là học hỏi ở chỗ làm", Chae nói.
Minh Phương(Theo Korea Herald)