Người trẻ chi tiêu nhiều cho trải nghiệm, du lịch bất chấp có thể nợ nần
Trong 1 bài viết của Bloomberg vào cuối tháng 5 năm nay đã chỉ ra rằng, dù lạm phát và nỗi lo suy thoái đang gia tăng, những người Mỹ trẻ tuổi vẫn lên kế hoạch để sống 1 cách trọn vẹn nhất vào mùa hè này, ngay cả khi họ phải tiêu toàn bộ khoản tiết kiệm và có thể lâm vào cảnh nợ nần . Đặc biệt trong 2 năm Covid vừa qua, hầu hết mọi người đều bó chân trong nhà và không thể đi đâu.
Cô gái 22 tuổi Michela Tarantolo vừa tốt nghiệp đại học đã quyết định cùng 3 người bạn thân mua vé để đi xem ban nhạc họ yêu thích ở một thành phố khác vào tháng 7. Tổng chi phí là 350 USD (hơn 8 triệu đồng) cho mỗi người, con số không hề nhỏ với một người mới ra trường.
“Tôi rất vui vì có thể trở lại trải nghiệm những điều mình muốn, được đi ra ngoài và chi tiêu cho một thứ gì đó kể cả ngoài khả năng tài chính của mình. Tôi sẵn sàng chi nhiều hơn cho những trải nghiệm vì giờ đây tôi không biết thế giới có thể thay đổi đến đâu”.
Theo khảo sát của Verasight, lấy ý kiến 1.521 người vào đầu tháng 5, khoảng 2/3 số người thuộc Millennials (69%) và Gen Z (65%) có kế hoạch đi du lịch nghỉ dưỡng vào mùa hè này. Họ cũng có khả năng dành nhiều tiền hơn cho các kỳ nghỉ vào thời gian này so với những năm trước.
Khoản chi tiêu này diễn ra vào thời điểm nền kinh tế ngày càng bất ổn. Tình trạng bão giá xảy ra trên tất cả các mặt hàng bao gồm cả giá vé máy bay. Mặt khác nhiều người Mỹ đã có thể tăng số tiền tiết kiệm của mình khi họ giảm bớt chi tiêu trong 2 năm qua. Bên cạnh đó, những người không có tiền tiết kiệm để chi trả cho mùa hè vui vẻ của mình có thể sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Cuộc khảo sát cho thấy các thế hệ trẻ hơn có nhiều khả năng chi nhiều hơn trong năm nay, với 27% ở cả Gen Z và Millennials, so với 16% của Thế hệ X.
Không chỉ ở Mỹ, số người trẻ đi du lịch ở Việt Nam cũng tăng lên đáng kể khi những rào cản trong đi lại đã được tháo bỏ. Bên cạnh đó, cũng không ít người chi tiêu không cần nhìn giá trong những chuyến du lịch vì cảm thấy có động lực muốn chi tiêu “mua vui” trong tinh thần.
“Trước Covid và thời kỳ bão giá ập đến, mình đi du lịch ở những thành phố như Đà Nẵng hay Nha Trang chỉ tốn khoảng 5-6 triệu đồng cho 1 người. Tuy nhiên, vừa mới quay lại các địa điểm này gần đây, con số mình chi trả đã là 10 triệu đồng. Một phần do lạm phát, chi phí tăng cao nhưng đa số là mình có cảm giác thôi thúc chi tiêu nhiều hơn vì sợ rằng sẽ không có những trải nghiệm này nữa trong thời gian tới, chẳng biết cuộc sống sẽ lại tiếp tục bất ổn vào lúc nào”, H.T chia sẻ.
Tại sao người trẻ chi tiêu cho trải nghiệm nhiều hơn là mua sắm các tài sản lớn?
Ông bà và cha mẹ ta là một trong những thế hệ tiêu dùng lớn nhất từ trước đến nay, sự thành công của họ thường được đánh dấu bởi mức lương bao nhiêu và sở hữu những sản phẩm hay tài sản lớn nào. Tuy nhiên, ngày nay việc sở hữu 1 sản phẩm trở nên dễ dàng hơn. Ngay cả với những người có mức thu nhập trung bình cũng có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh hay ô tô nếu họ thực sự muốn. Sở hữu 1 thứ gì đó không còn đánh dấu sự khác biệt của mình đối với những người khác. Có thể đó là lý do tại sao người trẻ đang tìm một điều gì khác để thể hiện cá tính của mình.
Đối với họ, trải nghiệm đáng giá hơn. Đó là lý do tại sao ngày càng nhiều Gen Z và Millennials đang tối đa hóa năng suất bằng cách làm việc tại nhà và đi du lịch nhiều hơn. Phong cách sống quan trọng hơn quan niệm có 1 nghề nghiệp với thu nhập ổn định và thành công có nghĩa là mua 1 chiếc xe hơi hoặc ngôi nhà lớn hơn.
Và sự khác biệt này không hề nhỏ. Theo một nghiên cứu, 52% người tiêu dùng thuộc Millennials đang chi tiền cho các giao dịch mua liên quan đến trải nghiệm. Họ đang tìm kiếm những điều mang lại ấn tượng lâu dài cho họ.
Bên cạnh đó, phương tiện truyền thông xã hội cũng đóng góp trong sự dịch chuyển nhu cầu chi tiêu của người trẻ. Thực tế là mọi người đều có thể nói về cuộc sống của mình và tìm hiểu về cuộc đời của những người khác dễ dàng nhiều hơn trên MXH, và điều này rõ ràng chỉ xảy ra với Millennials và Gen Z. Họ được cho là muốn cảm thấy được kết nối nhiều hơn so với những thế hệ trước và cũng sợ bị bỏ lỡ.
“Mua” trải nghiệm khiến chúng ta vui hơn
Mua trải nghiệm, không phải mua mọi thứ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi mua trải nghiệm, người tiêu dùng thường dự đoán trước được những niềm vui có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cảm giác thích thú được ghi nhớ rõ ràng hơn là mua hàng vật chất (hàng tiêu dùng). Tại thời điểm quyết định chi tiền, mua hàng theo trải nghiệm mang lại nhiều niềm vui và hạnh phúc nhất thời hơn. Tiếng cười có thể cải thiện không chỉ sức khỏe tinh thần mà còn cả sức khỏe thể chất của bạn. Trải nghiệm giúp bạn hòa mình vào thiên nhiên cũng có thể cải thiện cảm giác hạnh phúc của bạn. Trải nghiệm liên quan đến tập thể dục cũng có thể cải thiện cả tâm lý và thể chất của bạn. Cuối cùng, làm bất kỳ điều gì trong số những điều này với người khác sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe.
Trong một thế giới áp lực như hiện tại, không chỉ phải đối mặt với những rắc rối mang tính vĩ mô như lạm phát, bão giá toàn cầu hay bất ổn do Covid gây ra, người trẻ cũng phải vật lộn với công việc, những ngày “task chồng task” và tiêu chuẩn thành công của xã hội. Do vậy, giới trẻ có xu hướng chi tiêu để điều chỉnh cảm xúc của mình bằng các trải nghiệm thay vì phô trương sự “thành công” bằng vật chất.
Mặt khác, khái niệm một cuộc sống “đẹp” cũng đang thay đổi theo thời gian. Trải nghiệm là vô giá trong khi vật chất luôn có ngày hết hạn. Ngôi nhà và chiếc xe bạn mua là những thứ tuyệt vời nhưng theo thời gian, sự hài lòng mà bạn nhận được từ chúng rất có thể sẽ giảm đi. Đó cũng là lý do nhiều người trẻ chấp nhận chi mạnh tay cho trải nghiệm ngay cả khi thế giới đang bất ổn như bây giờ.