Thời sự

UOB Việt Nam: GDP quý II sẽ tăng 6%, quý III tăng 7,6%

Ngân hàng UOB Việt Nam vừa công bố báo cáo, theo đó nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định trong bối cảnh rủi ro bên ngoài gia tăng.

Các chuyên gia tại đây giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%, phù hợp với kế hoạch của Chính phủ là 6,0 - 6,5%. Dự báo trên cơ sở tăng trưởng GDP trong quý II sẽ đạt 6% so với cùng kỳ năm trước và sau đó tăng lên 7,6% trong quý III.

Tuy nhiên, một số rủi ro bên ngoài đang đặt ra thách thức đối với triển vọng này. Thứ nhất là xung đột Nga-Ukraine và tác động của nó đối với giá hàng hóa (và dẫn đến rủi ro lạm phát đối với nhu cầu trong và ngoài nước).

Thứ hai là sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, và rủi ro COVID-19 cũng là những thách thức.

Sau khi chạm mức thấp nhất trong gần một năm ở mức 1,4% vào tháng 2, lạm phát ở Việt Nam đã có xu hướng tăng lên 2,86% vào tháng 5, vẫn thấp hơn mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

UOB Việt Nam nhận định giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng cao cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã góp phần làm tăng mức lạm phát ở Việt Nam. Đặc biệt, chi phí liên quan đến vận tải đã tăng với tốc độ hai con số trong 14 tháng qua.  

Do Việt Nam có khả năng cung cấp thực phẩm trong nước, áp lực tăng giá phần lớn bị chi phối bởi các thành phần liên quan đến vận tải của rổ giá tiêu dùng, chiếm khoảng 3/4 mức lạm phát cho đến nay, so với mức bình quân 50% vào năm 2021.

Với xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 100 ngày và sự căng thẳng cũng như các lệnh trừng phạt chưa có dấu hiệu giảm bớt, ngân hàng này dự đoán tỷ lệ lạm phát chính của Việt Nam ở mức 3,7% vào năm 2022 và tăng lên 5% vào năm 2023.

 UOB Việt Nam dự đoán tỷ lệ lạm phát chính của Việt Nam ở mức 3,7% vào năm nay. (Ảnh minh họa: Zing).

GDP thực tế của Việt Nam trong quý I đã tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp nối mức tăng 5,22% trong quý IV/2021 nhờ lĩnh vực dịch vụ phục hồi sau khi nền kinh tế được mở cửa trở lại thông qua việc nới lỏng hạn chế về di chuyển và giãn cách.

Lĩnh vực sản xuất tiếp tục dẫn đầu phần đóng góp vào tăng trưởng, nhưng tăng mạnh nhất là lĩnh vực dịch vụ nói chung với mức tăng 4,58% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức 1,22% trong quý IV/2021 và 3,62% trong quý I năm ngoái. Rõ ràng là các hoạt động dịch vụ đã hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 được áp dụng trong nửa cuối năm 2021.  

Dữ liệu gần đây cho thấy đà tăng trưởng cơ bản của Việt Nam vẫn giữ nguyên trong quý II Lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng mạnh, 5 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng 9,24% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 8,28% trong 4 tháng đầu năm và so với mức tăng trưởng mạnh mẽ 12,59% trong 5 tháng đầu năm năm 2021. Kết quả này này cũng được phản ánh trong Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tính đến tháng 5 năm nay là tháng thứ 8 chỉ số này tiếp tục gia tăng.

Một chỉ báo tương lai là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã phần nào tăng trở lại trong tháng 5 bất chấp bối cảnh bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine và giá hàng hóa tăng.

Vốn FDI đăng ký từ đầu năm giảm 16,3% so với cùng kỳ xuống 11,71 tỷ USD, tháng thứ 4 liên tiếp có mức đăng ký giảm. Số vốn FDI đăng ký mạnh mẽ vào năm 2021 ở mức 31,15 tỷ USD cũng là yếu tố ảnh hưởng đến số liệu giảm sút của năm nay. Số liệu dòng vốn FDI trên cơ sở một năm so với cùng kỳ ở mức 28 tỷ USD, tương đương với con số đạt được trong năm 2020 khi đại dịch bùng phát.

Về phía người tiêu dùng, việc dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 trong nước và mở lại các hoạt động du lịch quốc tế đã tạo ra sức sống mới trong lĩnh vực dịch vụ.

Tổng thể thương mại bán lẻ trong 5 tháng đầu năm tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, so với mức 6,54% trong 4 tháng đầu năm và trước mức giảm 3% vào năm 2021, dẫn đầu là dịch vụ du lịch (tăng 34,7% so với đầu năm), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 15,75%).

Các chuyen gia của UOB Việt Nam kỳ vọng các lĩnh vực phụ thuộc vào du lịch như lưu trú và ẩm thực sẽ tăng trưởng trở lại trong quý II sau 9 quý giảm liên tiếp. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm