Báo cáo của DKRA cho biết, đa số dự án đất nền mới chào bán tháng 5 tập trung tại Bình Dương và Long An, chiếm đến 92% tổng nguồn cung trong kỳ. TP HCM không xuất hiện dự án đất nền mới nào (vì đa số là dự án cũ).
Tháng qua, giá chào bán đất nền dự án trên thị trường sơ cấp tăng phổ biến trên dưới 11% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ tập trung chủ yếu ở Long An (chiếm 70%), nguyên nhân chính do chủ đầu tư đã chạy booking từ 3-6 tháng trước.
Với phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP HCM, DKRA cũng ghi nhận tăng 15-20% so với đợt mở bán trước (mỗi giai đoạn cách nhau 4-5 tháng). Nguồn cung và lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu tại khu Nam và Tây Sài Gòn. Thị trường sơ cấp vẫn duy trì lực mua với tốc độ chậm, song giao dịch thứ cấp kém sôi động. Đa số các giao dịch nhà phố, biệt thự tháng qua chủ yếu tập trung vào những dự án đã bàn giao nhà, hạ tầng kết nối đồng bộ.
Với địa bàn phụ cận, Đồng Nai có nguồn cung nhà phố, biệt thự và lượng tiêu thụ phân khúc này vượt trội so với các tỉnh phía Nam. Bà Rịa Vũng Tàu có tỷ lệ hấp thụ kém, chỉ đạt 2% trên tổng nguồn cung mới toàn thị trường. Chi phí nguyên vật liệu tăng và việc siết tín dụng tiếp tục đẩy mặt bằng giá sơ cấp nhà phố, biệt thự tại các tỉnh phụ cận này tăng 10-20% so với đợt mở bán trước đó (mỗi đợt cách nhau 3-5 tháng).
Dữ liệu thị trường đất nền, nhà phố của Công ty Ngọc Châu Á cũng cho thấy, đến tháng 5, giá đất nền và nhà phố tại TP HCM và các vùng phụ cận tăng 10-15%, cá biệt một số nơi còn tăng đến 20% so với tháng 12/2021. Trong quý II, các quỹ đất xây nhà thấp tầng (nhà phố, biệt thự) tại TP HCM đều đã lập mặt bằng giá mới.
Cụ thể, dự án Global City (quận 2) ghi nhận giá bán khoảng 40 tỷ đồng một căn trong khi nhà phố tại dự án Lakeview gần đó, chỉ 15-20 tỷ nên cũng khiến giá nhà phố, đất nền vùng phụ cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An leo thang.
Tương tự, dữ liệu mới nhất của Công ty Thắng Lợi ghi nhận tại Long An, giá chào bán nhà phố, đất nền trên thị trường sơ cấp tăng lần lượt 10-15% so với quý IV/2021. So với nhà phố, đất nền được tìm kiếm và quan tâm nhiều hơn vì tài sản này không cần chăm sóc, không lo xuống cấp và dòng vốn đầu tư thấp hơn nhà gắn liền với đất.
Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cho hay, các dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản liền thổ hiện nay có thời gian chờ khá lâu. Nhà đầu tư thường phải nắm giữ trên dưới 3 năm mới bắt đầu ghi nhận biên lợi nhuận tốt và có nhiều cơ hội chốt lời. Nhà đầu tư lướt sóng không phù hợp với thị trường đất nền, nhà phố, biệt thự.
Theo ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á, có nhiều nguyên nhân khiến tài sản liền thổ tăng giá nhưng tác động lớn nhất là giá bán căn hộ tăng đã khiến giá đất và nhà gắn liền với đất leo thang theo.
Ông Hạnh phân tích, việc TP HCM ngày càng xuất hiện nhiều dự án căn hộ giá 60-80 triệu đồng một m2 trở lên ở những vị trí quận ven đô, còn tỉnh giáp ranh như Bình Dương xuất hiện căn hộ giá 50-55 triệu đồng một m2, đã phần nào khiến giá bất động sản liền thổ của khu vực phía Nam đội lên đáng kể. Cộng thêm tác động sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm cuối năm ngoái đã khiến giá bất động sản hiện nay biến động mạnh.
"Khi mỗi dự án mới được chào bán hoặc công bố ra thị trường với mức giá cao hơn so với mặt bằng giá toàn khu vực, các mức giá mới sẽ lần lượt thiết lập ngay sau đó. Tuy nhiên, thách thức của việc bất động sản liên tục tăng giá là thanh khoản bị chậm dần", ông Hạnh nói