Dạo gần đây, không chỉ cộng đồng marketing – quảng cáo mà cả những tài khoản bình thường trên Facebook, ai cũng kêu rên về độ ‘nhạy cảm thái quá’ của Facebook khi xét duyệt các mẩu quảng lẫn status chung chung.
Nhằm giải đáp tất cả những thắc mắc cũng như làm rõ lý do vì sao mình phải ‘khắt khe’ như thế, Facebook vừa mới tổ chức họp báo riêng cho thị trường Việt Nam, nhằm trang bị cho các doanh nghiệp hiểu biết tốt hơn về Chính sách quảng cáo của Facebook, gỡ bỏ những lầm tưởng phổ biến và chia sẻ các phương pháp tốt nhất để cải tiến sáng tạo.
CHÍNH SÁCH QUẢNG CÁO VÀ CÁCH HOẠT ĐỘNG CỦA QUY TRÌNH XÉT DUYỆT
Theo bà Supriya Singh - Giám đốc Marketing Giải pháp, Bộ phận Chính sách quảng cáo, Khu vực châu Á Thái Bình Dương của Facebook, thì Sứ mệnh của Facebook là trao sức mạnh để mọi người xây dựng cộng đồng và mang thế giới đến gần nhau hơn. Mọi người sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè và gia đình, khám phá thế giới cũng như chia sẻ và bày tỏ những điều có ý nghĩa với họ.
Hiện có 2,6 tỷ người trên khắp thế giới sử dụng một hoặc nhiều ứng dụng của Facebook mỗi ngày, hơn 200 triệu doanh nghiệp sử dụng các công cụ miễn phí của họ để tiếp cận người tiêu dùng và hơn 10 triệu nhà quảng cáo đang hoạt động trên các dịch vụ của Facebook.
Quảng cáo giúp Facebook duy trì nền tảng miễn phí cho mọi người và họ muốn Chính sách quảng cáo của mình giúp thúc đẩy hơn nữa sứ mệnh của công ty. Chính vì vậy, Facebook cam kết tạo nên những nền tảng an toàn và có ý nghĩa hơn, giúp kết nối, tương tác và kinh doanh.
Theo đó, các nhà quảng cáo được yêu cầu phải tuân thủ theo Chính sách quảng cáo, Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, thường xuyên theo dõi Chất lượng tài khoản, liên hệ Cộng đồng trợ giúp khi cần giúp đỡ. Các chính sách bổ sung cũng có thể được áp dụng khi các nhà quảng cáo sử dụng các sản phẩm khác nhau trong nhóm ứng dụng và dịch vụ của Facebook.
Cách xét duyệt nội dung Quảng cáo và Nội dung không trả phí khác nhau
Với nội dung Quảng cáo: Không giống như nội dung không trả phí, hệ thống xét duyệt quảng cáo của Facebook được thiết kế để kiểm duyệt tất cả các quảng cáo trước khi chúng hiển thị trên nền tảng.
Ngoài ra, hệ thống xét duyệt quảng cáo của Facebook chủ yếu dựa vào công nghệ tự động để thực thi Chính sách quảng cáo đối với hàng triệu quảng cáo chạy trên các ứng dụng của chúng tôi. Ngoài ra, Facebook cũng sử dụng các kiểm duyệt viên để cải thiện và đào tạo hệ thống tự động của mình, cũng như để xem xét thủ công trong một số trường hợp.
Với nội dung không trả phí: Quy trình xét duyệt Quảng cáo khác với quy trình xét duyệt "nội dung không trả phí" - những nội dung không được chạy quảng cáo trên các nền tảng của Facebook và không được sử dụng trên các giao diện Thương mại. Chúng tôi sẽ xem xét để xác định xem nội dung đó có vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng hay không.
Quá trình xét duyệt này thường xảy ra sau khi nội dung được đăng lên Facebook chứ không phải trước đó. Khi đề cập đến "chủ động phát hiện" liên quan đến nội dung không trả phí, như trong Báo cáo thực thi tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi, điều đó có nghĩa là nội dung đó đã được nhận dạng bởi AI của Facebook trước khi được mọi người báo cáo cho chúng tôi.
Cách hoạt động của các quy trình xét duyệt
Bước 1: Hệ thống xét duyệt quảng cáo sẽ xem liệu các quảng cáo có vi phạm Chính sách quảng cáo hay không. Quá trình xét duyệt này có thể bao gồm các thành phần cụ thể của quảng cáo, chẳng hạn như hình ảnh, video, văn bản và thông tin về mục tiêu quảng cáo, trang đích của quảng cáo cùng những thông tin khác. Trang đích của quảng cáo là nơi người dùng được hướng tới sau khi nhấp vào quảng cáo, chẳng hạn như một trang web.
Bước 2: Ngoài việc xem xét các quảng cáo riêng lẻ, Facebook cũng có thể xem xét và điều tra hành vi của nhà quảng cáo, chẳng hạn như số lần từ chối quảng cáo trước đó, mức độ nghiêm trọng hoặc loại vi phạm, hành vi lừa đảo hoặc không trung thực - chẳng hạn như mạo danh, cố gắng lách quá trình xét duyệt quảng cáo của chúng tôi và các hành vi sai phạm khác. Ý của Facebook, nếu account của bạn đã bị họ cảnh báo, thì phải tìm cách khắc phục chứ không thể bỏ account đó và đi tạo một account mới.
Bước 3: Facebook còn có thể hạn chế các nhà quảng cáo không tuân theo Chính sách quảng cáo, Tiêu chuẩn cộng đồng hoặc các chính sách và điều khoản khác của Facebook bằng cách thực hiện các hành động như thu hồi ủy quyền của nhà quảng cáo đối với những quảng cáo yêu cầu Facebook phê duyệt trước khi có thể chạy - chẳng hạn như quảng cáo hẹn hò hoặc những quảng cáo về các vấn đề xã hội, bầu cử hoặc chính trị; vô hiệu hóa Tài khoản quảng cáo cụ thể, Trang, Trình quản lý kinh doanh và tài khoản người dùng cá nhân; thu hồi tính đủ điều kiện để quảng cáo trong tương lai.
Mẫu quảng cáo của nhà bán lẻ MeUndies đã bị Facebok cấm.
"Việc xét duyệt quảng cáo thường được hoàn thành trong vòng 24 giờ, nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn. Quảng cáo có thể được xem xét lại, kể cả sau khi được chạy. Dựa trên kết quả xét duyệt, một quảng cáo có thể bị từ chối hoặc được phép chạy.
Nếu một quảng cáo bị từ chối, nhà quảng cáo có thể: tạo mới hoặc chỉnh sửa quảng cáo. Tùy thuộc vào tình huống, nhà quảng cáo có thể tạo một quảng cáo hoàn toàn mới hoặc chỉnh sửa quảng cáo bị từ chối để giải quyết các vi phạm chính sách. Trong cả hai trường hợp, những quảng cáo này được coi là quảng cáo mới và được hệ thống xét duyệt quảng cáo xem xét lại.
Yêu cầu xét duyệt lại: Nếu họ tin rằng quảng cáo bị từ chối một cách không hợp lý, nhà quảng cáo có thể yêu cầu xét duyệt lại và theo dõi trạng thái trong Chất lượng tài khoản. Không giống như lần xét duyệt ban đầu, Facebook dựa vào đội ngũ xét duyệt nhiều hơn để xử lý các yêu cầu này, nhưng vẫn liên tục đánh giá các phương pháp tăng cường tự động hóa để giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả", bà Supriya Singh cho biết.
4 LỖI THƯỜNG GẶP CỦA MỘT QUẢNG CÁO BỊ TỪ CHỐI/TÀI KHOẢN BỊ HẠN CHẾ HOẠT ĐỘNG
Facebook có thể hạn chế hoặc vô hiệu hóa các tài khoản không tuân theo Chính sách quảng cáo, Tiêu chuẩn cộng đồng hoặc các chính sách và điều khoản khác của Facebook. Có nhiều lý do khiến tài khoản Facebook, Trang hoặc tài khoản Trình quản lý kinh doanh có thể bị hạn chế quảng cáo hoặc Tài khoản quảng cáo có thể bị vô hiệu hóa. Dưới đây là một vài ví dụ.
Vi phạm chính sách quảng cáo: Hệ thống kiểm duyệt quảng cáo của chúng tôi sẽ xem xét các quảng cáo có vi phạm Chính sách quảng cáo hay không và nếu phát hiện thấy bất kỳ vi phạm nào, quảng cáo sẽ bị từ chối. Ví dụ khi quảng cáo áo quần cho người plus side, Facebook cấm quảng cáo theo hình thức trước và sau khi sử dụng sản phẩm; các nhà quảng cáo nên nhấn vào sản phẩm thay vì đối tượng sử dụng.
Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của vi phạm quảng cáo, cũng như khi chúng tôi nhận thấy rằng tài khoản Facebook, Trang hoặc tài khoản Trình quản lý kinh doanh liên tục cố gắng chạy quảng cáo không tuân thủ chính sách của mình, chúng tôi có thể hạn chế khả năng quảng cáo.
Né tránh quy trình xét duyệt quảng cáo hoặc các hệ thống thực thi khác: Khi Facebook phát hiện thấy hành vi vi phạm, chẳng hạn như cố gắng trốn tránh hoặc đánh lừa hệ thống kiểm duyệt, chúng tôi sẽ hạn chế khả năng quảng cáo. Các hạn chế này có thể là về số tiền được chi tiêu, các tính năng quảng cáo được sử dụng hoặc mất quyền truy cập vào tất cả quảng cáo bằng Sản phẩm của Facebook.
Hành vi lừa đảo và gian dối: Chúng tôi không cho phép mọi người khai sai thông tin về bản thân trên Facebook, sử dụng tài khoản giả, tăng mức độ phổ biến của nội dung theo cách giả tạo hoặc tham gia các hành vi được xem là né tránh quy trình kiểm duyệt và các hệ thống thực thi khác của chúng tôi.
Một mẫu quảng cáo bị cấm khác trên Facebook. Ảnh: Moa.edu.vn
Khi phát hiện loại hành vi này, Facebook sẽ hạn chế quyền truy cập vào các tính năng liên quan đến quảng cáo. Việc hạn chế này có thể là mất hoàn toàn quyền truy cập vào các tính năng quảng cáo sử dụng Sản phẩm của Facebook hoặc hạn chế về số tiền được chi tiêu cho quảng cáo, cũng như về tính năng quảng cáo được sử dụng.
Mạng lưới quan hệ/đội nhóm đáng ngờ hoặc đã vi phạm: Nhà quảng cáo trên Facebook có thể sử dụng tài sản quảng cáo, chẳng hạn như tài khoản quảng cáo, nguồn dữ liệu, Trang và đối tượng được chia sẻ trên nhiều tài khoản kinh doanh. Để bảo vệ sự an toàn của nền tảng cho cộng đồng, chúng tôi sẽ xem xét các kết nối được chia sẻ này.
Nếu phát hiện hành vi đáng ngờ hoặc vi phạm tương tự trong các tài khoản, chẳng hạn như né tránh quy trình xét duyệt hoặc liên tục bị vô hiệu hóa tài khoản quảng cáo và các tài sản quảng cáo khác do không tuân thủ chính sách, chúng tôi sẽ hạn chế quyền truy cập vào các tính năng liên quan đến quảng cáo.
"Việc kiểm duyệt nhằm đảm bảo hàng triệu quảng cáo trên toàn cầu tuân theo Chính sách Quảng cáo là điều cần thiết nhưng cũng mang đến nhiều thách thức. Facebook không thể phát hiện tất cả các vi phạm chính sách có thể xảy ra, bởi một quảng cáo đang chạy trên Facebook không phải lúc nào cũng tuân thủ các chính sách của chúng tôi.
Hiện Facebook có 3 lớp kiểm duyệt: báo xấu từ người dùng, bằng máy và bằng nhân viên. Nhưng cả máy móc và con người đều có thể mắc sai lầm khiến việc thực thi chính sách của chúng tôi cũng không thật sự hoàn hảo.
Khi có một chính sách mới, các bộ phận khác nhau trong hệ thống thực thi của chúng tôi, bao gồm cả công nghệ tự động và các đội ngũ kiểm duyệt toàn cầu, cần mất thời gian để được đào tạo, tìm hiểu cách thực thi tiêu chuẩn mới một cách chính xác và nhất quán. Chúng tôi liên tục tổng hợp các phản hồi và số liệu mới để hệ thống máy học trở nên hoàn thiện hơn và khả năng thực thi chính sách tự động được tốt hơn", bà Supriya Singh kết luận.
Facebook xem xét rất nhiều trang đích, tuy nhiên trong một số trường hợp rất khó để có thể xem xét từng trang đích. Ví dụ: trong trường hợp những kẻ lừa đảo cố gắng tránh né việc thực thi của chúng tôi bằng cách hiển thị cho hệ thống đánh giá của Facebook một phiên bản trang đích khác với phiên bản hiển thị cho mọi người.
Hành vi này được xem là tránh né hệ thống và bị cấm trên nền tảng, nhưng lại rất khó để phát hiện. Khi chúng tôi tìm thấy những quảng cáo vi phạm này, bên cạnh việc từ chối quảng cáo, chúng tôi sẽ vô hiệu hóa tài khoản quảng cáo và xóa khả năng quảng cáo của những tài khoản này trong tương lai.