Doanh nghiệp

Nhìn siêu xe của bạn kẹt trong lũ, chàng Việt kiều Mỹ hồi hương làm bạt nổi chống ngập ô tô, lên Shark Tank khiến cả 4 cá mập tranh giành kịch liệt

Startup "đi thật xa để trở về" sáng chế bạt nổi, cứu ô tô tránh nạn thủy kích

Founder gọi vốn mở màn tập 3 Shark Tank Việt Nam là một Việt kiều Mỹ, mang đến một giải pháp chống ngập hiệu quả cho xe ô tô mang tên túi bạt COVO.

Hà Phước Thành, đồng sáng lập và điều hành công ty Hoa Lộc Thành – doanh nghiệp cung cấp giải pháp, cho biết tại Việt Nam, xe ô tô là một tài sản có giá trị lớn của mỗi gia đình. Khi xảy ra lũ lụt hoặc triều cường, dù bảo hiểm có chi trả cho việc khắc phục các hậu quả, song xe vẫn hoạt động không ổn định.

"Một xe ô tô bị thủy kích sẽ mất từ 1/3 đến 2/3 giá so với ban đầu. Trong tương lai, chúng tôi muốn mang sản phẩm ra thị trường quốc tế, đặc biệt các nước chịu ảnh hưởng lớn bởi lũ lụt", Thành cho biết.

Nhìn siêu xe của bạn kẹt trong lũ, chàng Việt kiều Mỹ hồi hương làm bạt nổi chống ngập ô tô, lên Shark Tank khiến cả 4 cá mập tranh giành kịch liệt - Ảnh 1.

Chia sẻ về lý do hình thành ý tưởng, Thành nói: "Em có những người bạn với những chiếc siêu xe, lũ kéo đến và họ không có gì bảo vệ siêu xe của họ. Em là người sửa xe giúp họ".

Về cơ chế hoạt động, khi bọc bạt lại xung quanh xe thì khung xe sẽ kết hợp với bạt tạo thành một chiếc xuồng. Điều này khiến nước nổi đến đâu thì túi bạt nổi đến đó, nước sẽ không bao giờ nhấn chìm quá ½ chiếc xe.

Sản phẩm có 3 kích cỡ, size nhỏ có giá 4,2 triệu đồng, các size lớn hơn dành cho các dòng xe BMW, Mercedes giá từ 4,5 - 5,3 triệu đồng. Sau khi thu thập kích cỡ của 200 dòng xe trên thị trường, 3 cỡ bạt này đảm bảo vừa với tất cả loại xe trên thị trường, Thành cho biết. Về độ chịu tải, bạt này có thể làm nổi cả một chiếc Mitsubishi Triton - dòng xe bán tải nặng tới 1.800 ký.

"Vật liệu được sử dụng là nhẹ nhất và chắc nhất trên thị trường. Em thử rất nhiều loại bạt từ Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác. Kết quả là bạt được sản xuất từ chính Việt Nam lại là loại bạt tốt nhất, cả người Mỹ cũng đang sử dụng loại này", Thành nói.

Sản phẩm độc quyền, chưa từng có trên thị trường Việt Nam, hiện đang đăng ký bản quyền. Lên Shark Tank, Thành muốn gọi vốn 1 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần, tương đương định giá công ty ở mức 10 tỷ đồng.


Cứ ngỡ chỉ Shark Liên là "chân ái", nào ngờ có tới 4 cá mập cùng muốn xuống tiền

Nhìn siêu xe của bạn kẹt trong lũ, chàng Việt kiều Mỹ hồi hương làm bạt nổi chống ngập ô tô, lên Shark Tank khiến cả 4 cá mập tranh giành kịch liệt - Ảnh 2.

Trước câu hỏi của Shark Phú về việc bán sản phẩm ra thị trường, Thành cho biết: "COVO chỉ vừa hoàn thành sản phẩm vào tháng 11 vừa qua và đã bán được 9 sản phẩm. Rơi vào cuối mùa lũ nên chúng em ngừng quảng cáo và tập trung phát triển sản phẩm nhằm tối ưu hóa hơn".

Con số 9 sản phẩm được bán ra khiến các Shark lo ngại vì quá ít.

Các Shark cùng chung nhận định đây là startup phù hợp nhất với Shark Liên, vị cá mập trong lĩnh vực bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xe cơ giới, vốn phải chi trả khá nhiều các vụ việc liên quan đến thủy kích. Shark Liên cũng là vị Shark ra deal đầu tiên, 1 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần.

Sản phẩm hay và mức định giá phù hợp, Shark Phú cũng ngay lập tức ra deal 1 tỷ đồng lấy 25%.

Shark Việt đánh giá rất cao ý tưởng của Thành nhưng phải phát triển nhanh. "Rất phục bạn vì nghĩ ra nhiều thứ mà các Shark ở đây chưa chắc nghĩ ra. Khả năng 5-10 năm sau bạn có thể sẽ ngồi ghế Shark ở đây", Shark Việt nhận xét. Nhưng nhận thấy không có thế mạnh để có thể giúp Covo nên Shark Việt quyết định không đầu tư.

Đã có 2 Shark đưa ra đề nghị đầu tư, Shark Hưng cũng tham gia cuộc chơi với đề nghị 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần, thêm điều kiện royalty fee (phí nhượng quyền định kỳ) 500 nghìn đồng/sản phẩm trong 10.000 sản phẩm đầu tiên.

Có hệ sinh thái công nghệ, Shark Bình tự tin sẽ giúp Covo chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, Shark Bình đưa ra đề nghị đầu tư 1 tỷ lấy 0% cổ phần, nhưng kèm điều kiện lấy royalty fee 500 nghìn đồng/sản phẩm cho đến khi thu hồi vốn và đạt lợi nhuận 5 tỷ đồng, sau đó mỗi sản phẩm lấy royalty fee 250.000 đồng/sản phẩm".

Không để vuột mất startup mà mình yêu thích, Shark Liên tiếp tục thuyết phục Covo bằng đề nghị hấp dẫn: "3 năm đầu nếu có lợi nhuận chị cũng không cần lấy để tiếp tục đầu tư. Quan trọng là khách hàng có rồi".

"Anh là người nghĩ ra rất nhiều thứ và mô hình kinh doanh. Nên nhớ anh mới là chân ái", "Em đi với anh thì em mới đột biến", Shark Hưng liên tục chen ngang. Còn Shark Bình vẫn dùng chiêu cũ: đề xuất quẹt thẻ đặt cọc luôn 10% số tiền đầu tư cho startup.

Sự giằng co của các Shark khiến nhà đồng sáng lập Covo không khỏi bối rối. Sau một thời gian phân tích và cân nhắc, Thành quyết định về với Shark Hưng vì Shark có thể cho startup thêm nhiều ý tưởng về sản phẩm để phát triển sau này. May mắn cho Covo, Shark Hưng đề nghị mời Shark Liên cùng hợp tác để giúp Covo phát triển hơn trong tương lai.

Nhìn siêu xe của bạn kẹt trong lũ, chàng Việt kiều Mỹ hồi hương làm bạt nổi chống ngập ô tô, lên Shark Tank khiến cả 4 cá mập tranh giành kịch liệt - Ảnh 3.

Tổng quan thương vụ gọi vốn của Covo:

- Mô tả: Covo mang đến giải pháp chống ngập hiệu quả cho các loại xe ô tô bằng túi bạt, với giá thành từ 4,2 - 5,3 triệu đồng

- CoFounder: Hà Phước Thành

- Tình hình kinh doanh: Sản phẩm bán ra thị trường từ cuối tháng 11/2020, tính đến nay mới bán được 9 sản phẩm. Lợi nhuận gộp ở mức 30%.

- Gọi đầu tư: 1 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần

Kết quả: Gọi vốn thành công từ Shark Hưng và Shark Liên với số vốn 1 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần + Royalty fee 500.000 đồng/sản phẩm trong 10.000 sản phẩm đầu tiên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm