9 năm trước, tháng 5/2012, Phạm Đình Nguyên lần đầu tiên trở thành cái tên đình đám trên truyền thông trong nước khi mua một thị trấn nhỏ nước Mỹ với giá gần 1 triệu USD. Doanh nhân này sau đó đã đổi tên Thị trấn Bufort thành PhinDeli, sau đó ông ra mắt thương hiệu cà phê PhinDeli. Sự kiện mua thị trấn Mỹ của ông trở thành case study kinh điển trong giới quảng cáo truyền thông.
"Phin là công cụ pha cà phê của người Việt, còn Deli là Delicious - nghĩa là ngon. "Ly cà phê ngon". Tôi muốn tạo ra một câu chuyện hay và hấp dẫn ở thị trấn của mình và xa hơn nữa là cả nước Mỹ", ông Phạm Đình Nguyên từng lý giải.
Sau thời gian tạo dựng hình ảnh và kinh doanh tại Mỹ, ông Nguyên quyết định quay trở lại Việt Nam. Năm 2015, thương hiệu PhinDeli của ông cho ra mắt 5 điểm bán theo mô hình take-away và nhanh chóng phát triển lên 1000 điểm bán tại các cửa hàng tiện lợi, quán nước, trường học, bệnh viện…
Tuy nhiên, vài năm gần đây PhinDeli khá im ắng. Đầu năm 2021, ông Phạm Đình Nguyên cũng thừa nhận với báo chí: "Tôi công nhận là PhinDeli đã khá yên ắng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 1 năm trở lại đây khi dịch Covid -19 hoành hành và khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Là một doanh nghiệp nhỏ, lại hoạt động trong ngành cà phê, một thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt, chúng tôi cũng trải qua những giờ phút vô cùng khó khăn để chống đỡ trước cơn bão vừa qua".
Với một ngành thực sự khó và khốc liệt như cà phê, ông Nguyên xác định sẽ cần nhiều năng lực, tham vọng và nguồn lực cho cuộc chơi này. Và doanh nhân này cũng tích cực tìm kiếm các đối tác có đủ những yếu tố đó đồng ý viết tiếp câu chuyện của PhinDeli điển hình như Kinh Đô. Tuy nhiên việc hợp tác giữa PhinDeli và Kinh Đô đã không thành công, do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan và thời điểm theo nhận xét của nhà sáng lập này.
Thông tin từ Tuổi trẻ cho biết, sau sự hợp tác bất thành với Kinh Đô, đầu năm 2021 ông Nguyên tiết lộ Nova Consumer Group, một thành viên của Tập đoàn kinh tế đa ngành nghề Nova Group, hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp - Hàng tiêu dùng, đã mua lại thương hiệu PhinDeli.
Phía Nova Consumer Group cho biết, để có thể đứng vững và phát triển trên thị trường cà phê vốn khốc liệt, doanh nghiệp này lựa chọn cho mình con đường cung cấp đến người tiêu dùng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Những việc họ đang làm là chuẩn bị vùng nguyên liệu sạch, quy trình sản xuất hiện và tiến tới mở cửa hàng.
Nova Consumer Group là tên tuổi ít được nhắc trong ngành F&B, tuy nhiên ít người biết tập đoàn này đã có lịch sử phát triển gần 30 năm. Tiền thân của Nova Group là Anova Corp, có kinh nghiệm dày dạn trong một số mảng như thức ăn chăn nuôi, Thuốc thú y, Vaccine, trang trại, sữa, công nghệ sinh học.
Hình ảnh hiếm hoi của Nova Consumer Group.
Một số mảng kinh doanh của Nova Group (Anova Corp) đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như: AnovaPharma với hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận theo tiêu chuẩn WHO-GMP của Tổ chức Y tế Thế giới; AnovaFeed với dây chuyền sản xuất hiện đại, hoàn toàn tự động được nhập khẩu từ châu Âu; Anova Farm được tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union công bố đạt chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu Global G.A.P vào tháng 6-2017…
Nova Group (Anova Corp) có thể được xem là "anh em" với tập đoàn bất động sản nổi tiếng Novaland.
Theo trang web chính thức của doanh nghiệp, ông Bùi Thành Nhơn thành lập công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn ngày 18/09/1992, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thú y, thuốc thủy sản, xây biệt thự cho thuê. Năm 2007, Tập đoàn tái cấu trúc và hợp nhất các công ty thành 2 Tập đoàn:
- Novaland Group hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
- Anova Corp hoạt động trong lĩnh vực Thức ăn gia súc, Trại chăn nuôi, Thuốc thú y, Vaccine và tiến đến thiết lập chuỗi giá trị cung cấp nguồn thực phẩm sạch chất lượng cao, an toàn giàu dinh dưỡng.
Anova Corp có chiến lược phát triển định hướng theo mô hình 3F - từ trang trại đến bàn ăn (Feed - Farm - Food). Theo đó, thức ăn chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ về giá trị dinh dưỡng và tồn dư chất cám để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và đảm bảo nguồn thịt sạch. Quy trình tiếp theo, giống vật nuôi sử dụng nguồn thức ăn chăn nuôi của công ty sẽ được chọn lọc và tăng trọng tốt, đạt năng suất cao. Cuối cùng, Anova Corp sẽ sử dụng sản phẩm chăn nuôi để đưa vào chế biến thành thực phẩm đến người tiêu dùng.
Với định hướng đó, vài năm gần đây doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều thương vụ M&A với các khoản đầu tư lên tới hơn 200 triệu USD (và sẽ còn tiếp tục đầu tư nhiều hơn thế nữa) để quy tụ nhiều thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng về với hệ sinh thái của mình. Từ năm 2019, Tập đoàn Anova Corp chính thức đầu tư mạnh vào lĩnh vực thực phẩm.
Tổng giám đốc Anova Corp là ông Nguyễn Hiếu Liêm. Ông Liêm hiện là tỷ phú đứng thứ 27 trong 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Ông cũng từng giữ chức vụ phó chủ tịch tập đoàn Novaland.