Là người từng đặt chân đến nhiều lâu đài tại châu Âu, thậm chí nghỉ lại ở đó, NTK Quách Thái Công cho rằng đặc điểm chung của các lâu đài là được xây dựng trên diện tích rộng, chú trọng đầu tư vào phần vườn tược xung quanh; nhiều nơi rộng như công viên, tham quan phải mất 2-3 tiếng đi mới hết.
Các lâu đài ở châu Âu có lịch sử hàng trăm năm, mang đặc điểm văn hóa của từng quốc gia và từng thời đại.
"Còn ở Việt Nam, chúng ta cứ nói lâu đài xây theo kiểu cổ điển châu Âu chứ châu Âu rất lớn, Pháp cũng là châu Âu, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh,... tất cả là châu Âu hết. Và châu Âu còn theo thời nào nữa, Louis 13, 14 hay 16? Chúng ta phải hiểu cổ điển châu Âu là gì, chỗ nào châu Âu, điều này vốn đã khó hiểu rồi. Xây kiểu vậy rất sến súa, như kiểu cái tô thập cẩm có đủ loại ở trong, không biết kiến trúc thuộc quốc gia nào, thời nào, cứ trộn lại thành lâu đài", NTK Quách Thái Công chia sẻ trong một video đăng trên kênh Youtube Thái Công TV.
Cũng theo ông, kiểu xây lâu dài vốn chưa từng xuất hiện trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Giai đoạn kiến trúc châu Âu cuối cùng hiện diện tại Việt Nam là tới năm 1954; với các công trình tiêu biểu như Nhà thờ Đức Bà hay Nhà hát TPHCM... Đó là theo phong cách French-Indochina, tức thuộc địa Pháp. Còn giai đoạn trước, các công trình Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc Trung Quốc, thường xây theo kiểu cung điện, dinh thự.
"Xây lâu đài như hiện nay không liên quan gì đến lịch sử kiến trúc Việt Nam", NTK nổi tiếng nhận định.
Nhà thờ Đức Bà ở TPHCM.
Quan trọng hơn, nhìn từ phía bên ngoài, theo ông Quách Thái Công, các lâu đài đều trông rất "quê mùa". Bởi ở Châu Âu thời xưa, lâu đài được làm từ đá nguyên khối, trong đó nhiều bức tường được điêu khắc từ nguyên tảng đá lớn, rồi dần xây tiếp lên trên. Phần mái lâu đài cũng làm bằng đồng đỏ, vài năm sau rỉ sét biến thành màu xanh chứ không phải lấy sơn quét lên để tạo màu.
"Việt Nam đã không xây bằng vật liệu như thế. Việt Nam lấy xi măng đổ ra xây tường, xây mái, tất cả từ xi măng hết, vậy là đã sai rồi. Vì xi măng không thể có các chi tiết điêu khắc giống đá được".
Với kiến trúc cổ điển châu Âu, NTK đánh giá người chủ lâu đài, người kiến trúc sư không chỉ tìm hiểu mà còn cần trải nghiệm trực tiếp. Những người từng thiết kế lâu đài tại châu Âu, họ sống ở đó, hiểu văn hóa thời kỳ đó, thiết kế theo tỷ lệ của thời xưa, nhưng nay đều đã qua đời. Còn người thời nay sống tại Việt Nam, cách giai đoạn đó vài trăm năm, không thể hiểu hết được phong cách thiết kế như vậy.
Quách Thái Công lấy ví dụ để xây lâu đài, vào năm 1930, một người Mỹ ở Los Angeles đã chịu bỏ ra khoản chi phí lên tới 300 triệu USD. Ông này đưa các nghệ nhân của Pháp qua Mỹ, mua những món đồ cổ điển từng dùng trong các lâu đài của Pháp đem về trưng bày, nên tòa lâu đài nhìn rất "thật".
"Người nào ở Việt Nam chịu bỏ ra từng ấy tiền? Mà dù có bỏ tiền thì vẫn chưa đủ vì người ta còn thiếu văn hóa, lối sống trong lâu đài. Liệu xây lâu đài nhưng chúng ta có chấp nhận để khách mang giày trên thảm chưa, hay bắt khách cởi giày mang dép kẹp rồi mới được đi vào. Nếu xây lâu đài mà bắt khách cởi giày mang dép kẹp thì đừng xây lâu đài làm gì, nhìn đã thấy kỳ cục rồi".
"Ở trong lâu đài, ngay cả người giúp việc cũng phải mặc đồ đàng hoàng. Chủ lâu đài cần biết đào tạo người làm cách bưng nước nên thế nào, rồi biết hỏi ông chủ bữa nay thấy sao, phong cách phục vụ thế nào,... Lối sống đó phù hợp ở trong lâu đài, còn chúng ta mà chưa biết lối sống đó thì làm sao xây lâu đài được, chỉ thành trò hề cho thiên hạ".
"Tôi nghĩ người xây lâu đài là người rất ích kỷ, không biết tòa lâu đài đó có phù hợp cảnh quan xung quanh không, hay chỉ phô bày quyền lực và sự bề thế, thiếu tính tinh tế trong đó".
Từ đó, NTK Quách Thái Công cho rằng Việt Nam không nên xây lâu đài hoặc kiến trúc phong cách hoàng gia châu Âu, vì thiếu sự am hiểu kiến trúc thời đó, cũng như thiếu người có đủ khả năng thi công đến tầm vóc nghệ thuật. Ông cho rằng các tòa nhà tại Việt Nam có thể xây theo phong cách tân cổ điển, trong đó trần nhà hoặc sàn gỗ làm theo kiểu cổ điển là đủ. "Không nên xây lâu đài theo kiểu cho hoàng tử, công chúa ở".