Công ty FDI gần 30 tuổi đi gọi vốn
Là đại diện cuối cùng tham gia gọi vốn trong tập 3 của Shark Tank Việt Nam mùa 4, CEO công ty TNHH Việt Long giới thiệu về sản phẩm vải dán tường làm bằng sợi thủy tinh. Khác với những startup trẻ tuổi, công ty này thành lập từ năm 1994, tức đã gần 30 năm tuổi đời.
Theo lời giới thiệu, loại vải dán tường này làm từ sợi thủy tinh cấp E, có khả năng kháng khuẩn, kháng cháy và cách điện, với hình thức bên ngoài khá đẹp và bắt mắt.
Đối diện với các “cá mập”, bà Nguyệt Mai kêu gọi vốn đầu tư 1 triệu USD cho 15% cổ phần.
“Sứ mệnh của Mai là làm thế nào để xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm quốc gia. Mai đã được cấp bằng giải pháp hữu ích vào cuối 2019, đồng thời đầu tư 2 dàn máy sản xuất khổ dạng 1,06m. Công suất nhà máy là 15 triệu m2/năm. Kế hoạch của Mai là năm 2021 đến 2024 có thể đạt được doanh thu 900 tỷ đồng/năm, đồng thời đã xây dựng lộ trình IPO vào năm 2025”, nữ CEO bày tỏ tham vọng.
Giá vốn để sản xuất ra vải dán tường từ sợi thủy tinh là 300.000/cuốn 5m2, giá bán là khoảng 1.150.000 đồng, đắt gấp 5-10 lần so với mặt bằng chung của các sản phẩm hiện có trên thị trường.
Tuy nhiên, khi được Shark Phú hỏi về tình hình tài chính, bà Nguyệt Mai thành thật: “Gần như con số 0. Thực ra Mai đã trải qua thời gian gần như phá sản, có nghĩa là làm lại từ đầu hoàn toàn. Doanh nghiệp của Mai đã tồn tại 27 năm và vải dán tường sợi thủy tinh ra đời 4 năm về trước, đến cuối 2019 bắt đầu quyết định mô hình kinh doanh là chọn các đại lý để phân phối khắp 63 tỉnh thành.
Nhưng bước vào 2020 thì gặp Covid, máy mua xong không lắp được và phải mất 6 tháng trời để xin giấy phép cho các kỹ sư vào lắp máy. Lắp máy xong thì không mua được nguyên vật liệu, đó là năm cực kỳ thử thách, nhưng Mai vẫn đạt được 11,3 tỷ đồng doanh thu vào 2020”.
Hiện tại, các cổ đông đã chi 2,5 triệu USD để đầu tư cho Công ty Việt Long. Doanh nghiệp này hiện có nhà máy đặt tại khu chế xuất Tân Thuận, được đầu tư 100% từ vốn của ông xã của bà Nguyệt Mai.
Đến đây, nữ CEO tiếp tục vấp phải một loạt câu hỏi chất vấn từ Shark Phú.
Shark Phú: Chị gọi vốn để làm gì? Đầu tư vào công ty của ông xã hay một công ty ngoài để phân phối?
CEO Nguyệt Mai: Công ty Việt Long
Shark Phú: Để phân phối?
CEO Nguyệt Mai: Để sản xuất bởi hệ thống phân phối hiện tại Mai đã xây dựng xong.
Shark Phú: Nhưng Việt Long sở hữu nhà máy hay gì?
CEO Nguyệt Mai giải thích: Sở hữu nhà máy và là công ty FDI.
Shark Phú vẫn cần làm rõ: Tức là 2 vợ chồng sở hữu công ty đấy?
CEO Nguyệt Mai: 2 cổ đông đều là của Đài Loan 100%, một người là ông xã và một công ty Đài Loan khác. Hiện tại ông đã 70 tuổi và chỉ mong muốn nghỉ hưu thôi, không muốn điều hành nhà máy nữa.
Đến lượt Shark Bình, ông băn khoăn về mức giá cao của vải dán tường sợi thủy tinh, khi nó chỉ ưu việt hơn các sản phẩm cùng loại ở tính năng chống cháy. Tuy nhiên, nữ CEO bổ sung thêm điều mà bà tâm đắc nhất, đó là khả năng kháng khuẩn.
Dẫu vậy, Shark Hưng - một người có hiểu biết trong ngành xây dựng và bất động sản bày tỏ nghi ngại vì bột từ sợi thủy tinh khi dính vào da mà không làm sạch thì có thể bị dị ứng, nhất là em bé. Kể cả sợi thủy tinh cấp E, nếu bột dính vào da tay thì cũng khó rửa sạch bằng nước.
Chưa kể, Shark Phú một lần nữa đặt nghi vấn về mục đích gọi vốn khi mà nhà máy, máy móc và hệ thống phân phối đều đã đầu tư xong
“Thứ nhất, Mai cần tổ chức marketing. Thứ hai là nhóm sale thật hùng hậu, thứ ba là nguyên vật liệu. Đây là 3 yếu tố mà Mai rất nóng ruột để có thể giải quyết”, nữ CEO làm rõ.
Không ai đầu tư, người khuyên nên buông bỏ, người tin sẽ thành công
Sau màn hỏi đáp khá căng thẳng, các “cá mập” đã đưa ra quyết định.
Shark Liên dù rất trân trọng năng lượng và khát vọng của nữ CEO 55 tuổi nhưng bà cho rằng doanh nghiệp thành lập từ năm 1994 mà phát triển quá chậm, lại không có tính cạnh tranh. Cùng với việc không có lợi thế trong ngành, Shark Liên từ chối đầu tư.
Trong khi đó, Shark Hưng nhận xét: “Nếu như đã lo được tất cả các vấn đề về đầu ra, hệ thống đại lý phân phối thì chị có thể đẩy cho họ một chút quyền lợi để họ ứng trước vốn cho chị để nhập nguyên vật liệu. Như vậy còn chắc chắn hơn rất nhiều, ở chỗ là chị có đầu ra. Khi đã có hợp đồng đầu ra, các ngân hàng, định chế tài chính sẵn sàng tài trợ vốn cho chị để nhập nguyên vật liệu. Nếu giải quyết được những vấn đề đó thì chị không cần các Shark nào đầu tư cả. Tôi tin là chị có thể thành công được. Đó là những lời khuyên tôi có thể tặng cho chị, chúng ta có thể trở thành đối tác của tương lai nhưng để đầu tư thì tôi không”.
Shark Phú - người đặt câu hỏi nhiều nhất, cho rằng lĩnh vực này rất khó gọi vốn. CEO nên tìm kiếm một đối tác trong ngành để tìm cổ đông thay vì gọi vốn Shark Tank. Do đó, ông chủ Sunhouse chọn “lắc đầu”.
Shark Bình cũng có câu trả lời tương tự.
Đến đây, CEO Nguyệt Mai trải lòng:
“Mai không có học vấn, chỉ học đến hết lớp 6. Mai có kinh nghiệm, những trải nghiệm vô cùng khó khăn từ thuở thơ ấu. Tuổi trưởng thành của tôi là thời chiến tranh, rất nhiều gian khó nhưng mà hôm nay Mai có thể biết ơn những trải nghiệm đó. Chính vì thế mà khi đối mặt với khó khăn, tôi không bao giờ chùn bước bởi cái Mai sợ nhất là đói, còn ngoài ra không có gì đáng sợ cả. Có thể công việc có gì đó sai thì mình nhận lấy mà học, tiếp tục tiến tới, không có gì khó cả. Một mình tôi điều hành nhà máy này nhưng may mắn là có những người lao động rất nhiệt huyết, thậm chí Mai không có tiền trả lương nhưng họ vẫn làm việc”.
Là “cá mập” lớn tuổi nhất trong chương trình, Shark Việt từ chối đầu tư nhưng nhắn nhủ: “Trái đất này rất đáng yêu nhưng đẹp đến mấy thì cũng đến lúc mình phải ra đi. Khi mình ra đi thì phải biết buông bỏ. Buông bỏ không có nghĩa là mình từ bỏ mà gửi gắm cho một người khác có năng lực hơn mình để đầu tư. Đấy chính là lời anh đầu tư cho em. Phải biết dừng lại đúng lúc. Chứ em đắm đuối vào cái này em sẽ hy sinh đấy.
Tại sao thì anh không biết nói thế nào với em. Nhưng anh không đầu tư cho em được. Cuộc đời này vô thường, tuổi thọ của mình cũng có giới hạn nên phải biết dừng lại, một là giao cho người có kỹ năng hơn mình, hai là trở về chăm sóc ông xã, quan trọng nhất là biết làm và biết dừng lại. mình muốn ôm cả đất cả trời nhưng có khi một dự án mình không ôm nổi đâu”.
Ngược lại, Shark Liên động viên CEO Nguyệt Mai tiếp tục chiến đấu đến cùng vì "ai rồi cũng phải chết nhưng chết cho xứng đáng".