Ngày 21/5, TS. BS Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện 103, cho biết thời điểm nhập viện khối u to gây phù nhiều. Trước đó, bệnh nhân nằm điều trị đái tháo đường tại bệnh viện địa phương, đột ngột ý thức chậm, nôn, không nói được, tiên lượng nặng.
Theo bác sĩ, khối u màng não có kích thước lớn, chèn ép vùng vận động quan trọng, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và mạch máu xung quanh. Sau hội chẩn, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu để cứu người bệnh.
Kíp phải dùng kính vi phẫu và hệ thống định vị thần kinh hiện đại để xử trí, mục tiêu bảo tồn tối đa vùng thần kinh chức năng và các mạch máu quan trọng.
Sau can thiệp, người bệnh đáp ứng tốt với thuốc, thời gian nằm hồi sức ngắn. Hai ngày sau, bà tỉnh táo, tự thở, rút ống nội khí quản, tình trạng liệt đã cải thiện. Bác sĩ tiếp tục dùng thuốc chống phù não, kháng sinh, nâng thể trạng cho người bệnh.

Hình ảnh chụp khối u chèn ép não bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
U màng não thường lành tính, tiến triển từ từ, tuy nhiên đa phần bệnh nhân đến viện đã trong tình trạng liệt vận động, động kinh rối loạn ý thức. Biểu hiện thường gặp như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, co giật, động kinh. Khi khối u chèn ép vào các vùng não chức năng hoặc dây thần kinh sọ não có thể gây giảm thị lực, giảm thính lực, liệt mặt hay tê bì, yếu chân tay.
Trường hợp nặng, bệnh nhân không ngửi được mùi vị, mất thị lực một phần hoặc toàn bộ, nhìn đôi, lác, ù tai, giảm thính lực, điếc, tê bì mặt, yếu hoặc liệt tăng dần, co giật. Một số dấu hiệu khác như thay đổi tính cách, hành vi, giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ.
Hiện, phẫu thuật là phương pháp tối ưu để loại bỏ khối u.

Các bác sĩ can thiệp phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp