Trả lời:
Xẹp phổi là tình trạng xẹp một phần hay toàn bộ phổi, xảy ra khi các túi khí nhỏ ở bên trong phổi (phế nang) bị mất không khí. Tùy vào nguyên nhân và mức độ tổn thương mà người bệnh xẹp phổi có thể khỏi hoàn toàn hay không. Song nếu tìm được nguyên nhân và điều trị đúng cách, bệnh thường khỏi dần theo thời gian. Người bị xẹp phổi nhẹ có thể tự hồi phục mà không cần chữa trị. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát (nhất là khi người bệnh phải phẫu thuật ngực hoặc bụng) nhưng tỷ lệ thấp.
Xẹp phổi thường có các biểu hiện không rõ ràng và có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Do đó, người bệnh cần được bác sĩ khám và chiếu chụp, xét nghiệm như chụp X-quang, cắt lớp vi tính ngực, đo nồng độ oxy, siêu âm lồng ngực, nội soi phế quản. Hiện có nhiều phương pháp điều trị xẹp phổi tùy vào nguyên nhân gây bệnh như sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, phẫu thuật, thủ thuật hoặc điều trị hỗ trợ hô hấp.
Nếu nguyên nhân gây xẹp phổi là do chất nhầy ứ đọng làm tắc nghẽn đường thở, bác sĩ có thể chỉ định thuốc điều trị. Người bị viêm nhiễm dẫn đến xẹp phổi cần sử dụng thuốc kháng viêm như corticosteroid để giảm viêm và hồi phục lại tình trạng phổi. Với xẹp phổi do nhiễm trùng, bác sĩ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
Vật lý trị liệu hô hấp cũng là phương pháp phổ biến trong điều trị bệnh lý này. Bác sĩ hướng dẫn người bệnh vỗ rung để làm long đờm, đẩy các chất nhầy ra ngoài. Tập hít thở còn giúp tăng cường lượng khí đến phế nang và giảm xẹp phổi. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được áp dụng để loại bỏ tắc nghẽn trong phổi hoặc dẫn lưu khí, dịch trong khoang màng phổi và khắc phục tình trạng xẹp phổi. Nếu xẹp phổi nặng, người bệnh có thể cần sử dụng máy hỗ trợ hô hấp để duy trì chức năng hô hấp và cung cấp đủ oxy cho cơ thể.
Khoa Hô hấp
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |