Ông Nguyễn Thanh Nhung - quyền Tổng giám đốc Sacombank là cử nhân kinh tế, cử nhân luật Trường đại học Luật TP.HCM, thạc sĩ ngành tài chính ngân hàng Đại học Kinh tế TP.HCM. Với hơn 30 năm kinh nghiệm tại các lĩnh vực trọng yếu liên quan đến ngân hàng như kế toán, pháp chế, tín dụng, kinh doanh tiền tệ. Ông Nhung từng là Phó tổng giám đốc Eximbank và Tổng giám đốc Vietbank.

Ông Nguyễn Thanh Nhung
ẢNH: N.Q
Trước khi Sacombank thông tin chính thức về thay đổi nhân sự, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đã có thư gửi thư chia tay cán bộ quản lý, công nhân viên. "Tôi tạm biệt cương vị Tổng giám đốc - người cầm lái trực tiếp con thuyền điều hành để chuyên tâm cùng quý vị thành viên Hội đồng quản trị về chiến lược dài hạn cho Sacombank: An toàn - Hiệu quả - Bền vững trong thời kỳ hậu tái cơ cấu", thư viết.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đảm nhận vị trí Tổng giám đốc vào năm 2017, thời điểm Sacombank chính thức được phê duyệt thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Sau khi rời ghế Tổng giám đốc, bà Diễm vẫn là Phó chủ tịch HĐQT Sacombank. Việc này nhằm tách bạch công tác quản trị và điều hành theo đúng tiêu chí hoạt động của Sacombank, đồng thời tạo điều kiện cho bà tập trung xây dựng chiến lược phát triển và thực thi nhiều vấn đề quan trọng khác của ngân hàng.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm
Gần 8 năm dưới quyền điều hành của bà Diễm, Sacombank đã có sự lội ngược dòng ngoạn mục khi các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2024, tổng tài sản đã tăng hơn 125%, cho vay tăng 169%, tổng huy động tăng 121%, lợi nhuận trước thuế tăng từ 156 tỷ đồng lên đến hơn 12.270 tỉ đồng. Các chỉ số ROA, ROE, CAR được cải thiện rõ rệt, trong đó, CAR được duy trì ổn định trên 9% và đạt mức 10,14% vào năm 2024 (cao hơn mức 8% do NHNN quy định), ROA và ROE tăng 49 lần.
Trong thời gian qua, Sacombank tích cực xử lý phần lớn nợ tồn đọng và hoàn tất toàn bộ nghĩa vụ tài chính thuộc đề án. Doanh số thu hồi, xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng năm 2024 gần 10.000 tỉ đồng, nâng lũy kế lên 103.988 tỉ đồng (thuộc đề án 76.695 tỉ đồng). Nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc đề án giảm 80,5%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% xuống còn 2,4%. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỉ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tồn đọng còn lại chưa xử lý. Lợi nhuận giữ lại lũy kế (sau phân phối năm 2024) đạt 25.425 tỉ đồng, gấp 1,35 lần vốn điều lệ.