Kiến nghị này liên quan 173 dự án điện gió và điện mặt trời có ngày vận hành thương mại (COD) trước hoặc trong năm 2021 nhưng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu tại thời điểm COD.
Có 44 tổ chức, nhà đầu tư năng lượng tái tạo đứng tên ký kiến nghị lần 2 này. Trong đó, có Hiệp hội Năng lượng tái tạo Bình Thuận, 16 nhà đầu tư nước ngoài và còn lại là các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trong nước.
Các nhà đầu tư điện tái tạo cho biết, việc gửi công văn này nhằm chính thức phản hồi rằng các hành động đơn phương dù là tạm giữ một phần tiền thanh toán mua bán điện, hồi tố ngày COD và giá điện theo cơ chế FIT, hoặc ép buộc nhà đầu tư ký kết thỏa thuận sửa đổi các hợp đồng mua bán điện đã ký đều vi phạm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo các hợp đồng mua bán điện đã ký; trái với quy định của pháp luật hiện hành và trái với các nghị quyết gần đây của Chính phủ và Bộ Chính trị.

Các nhà đầu tư điện tái tạo kiến nghị không áp dụng hồi tố các quy định mới liên quan giá mua điện
ẢNH: NGUYÊN NGA
Cụ thể, các hợp đồng mua bán điện đang có hiệu lực cũng như theo pháp luật hiện hành, không có cơ sở pháp lý nào để EVNEPTC tạm giữ phần tiền mua bán diện, áp dụng biểu giá tạm thời trái với biểu giá đã thỏa thuận trước đó. Từ tháng 1 năm nay, đơn vị mua điện đã "đơn phương tạm giữ lại một phần tiền thanh toán thông qua việc áp dụng biểu giá tạm thời do chính EVNEPTC đề xuất, dù không có bất kỳ công văn chính thức nào tới các nhà đầu tư từ EVNEPTC hay bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Theo các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, việc tạm giữ một phần thanh toán tiền điện và đề xuất hồi tố ngày COD... trái với quy định "chấm dứt tình trạng các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp tư nhân"; "không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp" được quy định tại khoản 2.2 và 2.3 mục III của Nghị quyết 68. Đồng thời, mâu thuẫn với Nghị quyết 233 của Chính phủ ngày 7.12.2024.
Từ đó, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trong và ngoài nước kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, EVN và các đơn vị trực thuộc xác nhận và thi hành ngày COD chấp thuận ban đầu; đảm bảo EVNEPTC thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng theo các hợp đồng mua bán điện đã ký bằng cách thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho các dự án điện; không áp dụng hồi tố các quy định mới về việc xác định điều kiện COD và giá FIT đối với các dự án đã đạt COD trước khi ban hành các quy định mới.
Các nhà đầu tư cũng đề xuất một cuộc thảo luận tiếp theo và mong muốn tìm ra một giải pháp mang tính xây dựng, bảo đảm nguyên tắc công bằng, chắc chắn về pháp lý và phù hợp định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Trước đó, ngày 5.3, các nhà đầu tư đại diện 48 dự án năng lượng tái tạo đã gửi kiến nghị đầu tiên đến các lãnh đạo cao cấp và Bộ Công thương. Sau đó, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) - đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - đã có buổi họp với các đầu tư. Tuy nhiên, theo phản ánh của các nhà đầu tư tại bản kiến nghị lần này, các đề xuất do EVNEPTC đưa ra "không những không giải quyết được các vấn đề cốt lõi, mà còn làm cho nhà đầu tư trở nên lo lắng hơn".