Trước khi hiểu về nguyên nhân và cách đối phó khi bị chảy nước mũi không ngừng (sổ mũi mãn tính) thì bạn cần biết được cách phân biệt giữa sổ mũi và nghẹt mũi.
- Sổ mũi hay còn gọi là chảy nước mũi (Rhinorrhea (runny nose)) khiến chất nhầy (chất lỏng) trong suốt hoặc có màu chảy ra từ mũi của bạn. Khi bị chảy nước mũi, bạn có thể xì mũi và thở bằng mũi dễ dàng
- Nghẹt mũi (Nasal congestion or nasal obstruction (stuffy nose)) hoặc ngạt, tắc mũi là tình trạng bạn khó thở ra bằng một hay cả hai bên mũi. Ngoài ra bạn có thể ngáy vào ban đêm và có cảm giác như mũi đang bị bịt lại. Nghẹt mũi có thể hoặc không đi kèm với sổ mũi và có nguyên nhân thường thấy là do cảm lạnh.
Đối khi tắc mũi hoặc sưng niêm mạc mũi có thể chỉ gây ra nghẹt mũi mà không có sự xuất hiện của chất nhầy thường là do lệch vách ngăn mũi hoặc nhiễm trùng xoang hay dị ứng.
1. Nguyên nhân khiến nước mũi chảy liên tục (sổ mũi mãn tính)
- Dị ứng
Dị ứng là nguyên nhân phổ biến khiến nước mũi chảy liên tục. Đây là một tình trạng tự miễn dịch của cơ thể khi nó tấn công một chất dị nguyên như phấn hoa hay bụi. Ngoài chảy nước mũi thì người bị dị ứng có thể có thêm các triệu chứng khác như hắt hơi, ho mãn tính, ngứa mắt và cổ họng.
Dị ứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi
- Viêm xoang mãn tính
Không chỉ dị ứng, một số tình trạng sức khỏe có thể gây sổ mũi dai dẳng, trong đó có viêm xoang mãn tính.
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng xoang với nhiều cấp độ và do nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như viêm xoang cấp tính có thể gặp sau khi bị nhiễm virus hay dị ứng nghiêm trọng. Nhiễm trùng xoang trong thời gian ngắn có thể gây đau và nghẹt xoang nhưng thường tự khỏi và biến mất.
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng xoang với nhiều cấp độ và do nguyên nhân khác nhau (Ảnh: Internet)
Mặt khác, viêm xoang mãn tính là tình trạng nhiễm trùng xoang kéo dài trên 12 tuần. Tình trạng viêm nhiễm này là nguyên nhân khiến bạn bị chảy nước mũi liên tục trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
- Viêm mũi không dị ứng
Viêm mũi không dị ứng được hiểu là niêm mạc mũi của bạn bị viêm hoặc kích ứng nhưng không phải do dị ứng. Viêm mũi không dị ứng giống với dị ứng ở biểu hiện chảy nước mũi màu trong suốt nhưng cơ thể không có phản ứng dị ứng.
Thay vào đó, có một tác nhân khác đang kích thích mũi của bạn. Tình trạng này thường không nghiêm trọng nhưng có thể gây khó chịu. Các tác nhân gây viêm mũi không dị ứng thường là:
+ Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai, chu kì kinh nguyệt thay đổi hoặc mãn kinh
+ Thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc chống viêm non-steroid, thuốc tránh thai đường uống, thuốc xịt thông mũi khi sử dụng trong thời gian dài (trên 3 - 5 ngày) còn gọi là viêm mũi do thuốc
+ Mùi hương mạnh và nồng như mùi nước hoa, ô nhiễm hoặc chất lượng không khí kém, sản phẩm tẩy rửa có mùi thơm hoặc xà phòng có mùi thơm nhân tạo, khói thuốc, khói đun nấu,...
+ Thức ăn cay
+ Thay đổi thời tiết có thể gây sổ mũi do áp suất không khí, độ ẩm và nhiệt độ
Viêm mũi không dị ứng giống với dị ứng ở biểu hiện chảy nước mũi màu trong suốt nhưng cơ thể không có phản ứng dị ứng (Ảnh: Internet)
- Polyp mũi
Polyp mũi là một khối u lành tính trong niêm mạc mũi hoặc xoang. Sự có mặt của polyp mũi có thể kích thích quá trình tăng sản xuất chất nhầy trong mũi.
Những người có polyp mũi có thể bị chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi và mất khứu giác.
- Rò dịch não tủy
Trường hợp này xảy ra khi bị chấn thương đầu hoặc phẫu thuật xoang, lớp dịch não tủy bị tổn thương và chất lỏng có thể rò rỉ ra ngoài được gọi là rò rỉ dịch não tủy. Bệnh có thể gây chảy nước mũi một bên và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp bởi có thể dẫn tới viêm màng não, nhiễm trùng não và tủy sống.
- Khối u xoang
Các khối u ác tính trong mũi hoặc xoang cũng là một nguyên nhân gây chảy mũi mãn tính một bên (mặc dù hiếm gặp) kèm theo các triệu chứng khác như đau, nhức đầu hoặc chảy máu mũi.
2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Nếu như bạn bị chảy nước mũi không ngừng kèm theo các dấu hiệu sau, hãy cân nhắc tới việc thăm khám ở các cơ sở y tế chuyên tai - mũi - họng sớm:
- Chất nhầy mũi có lẫn máu đỏ hoặc máu cam
- Nước mũi chảy nhỏ giọt, vị mặn hoặc vị kim loại
- Bị đau xoang mặt
- Sốt
- Dịch nhầy chuyển từ màu trong suốt sang màu vàng hoặc màu xanh
- Nước mũi chảy một bên trong thời gian dài và nhỏ giọt.
Nhìn chung thì hầu hết các nguyên nhân gây chảy nước mũi (sổ mũi) mãn tính là do dị ứng, Nhưng bạn cần chẩn đoán chính xác để không loại bỏ các bệnh lý nguy hiểm khác có triệu chứng tương tự.