Mới đây, Be đã hợp tác với VinFast và Ngân hàng số Cake by VPBank để ưu đãi về giá và lãi suất cho tài xế chuyển từ xe xăng sang dùng xe điện. Nền tảng này dự kiến có hàng trăm tài xế mua xe Feliz S được hưởng ưu đãi 4% trên giá niêm yết trong giai đoạn đầu, và được vay tiền qua Cake by VPBank với lãi suất từ 0% bằng thủ tục hoàn toàn online.
Mẫu Feliz S đang được niêm yết giá 29,9 triệu với hình thức thuê pin và 48,9 triệu nếu mua pin. Như vậy, nếu tài xế chọn mua có thể được giảm từ gần 1,2 triệu đến hơn 1,9 triệu đồng.
Không chỉ có Be, Gojek Việt Nam sau thí điểm để tài xế chở khách bằng xe điện Dat Bike từ tháng 5, cũng đã có động thái mới. Cụ thể, từ 6/9, tài xế nền tảng này sẽ nhận xe của startup xe điện nội địa Selex Motors để chở khách, giao hàng và đồ ăn. Việc hợp tác với Dat Bike vẫn duy trì song song và Gojek không tiết lộ tổng số xe triển khai của hai đợt này với lý do sẽ điều chỉnh linh động theo nhu cầu thị trường.
Động lực phủ sóng xe máy điện của Be đến từ kết quả của cú bắt tay với hãng taxi điện GSM. Bà Vũ Hoàng Yến, Tổng giám đốc Be Group cho biết tổng số chuyến taxi điện tăng trưởng liên tục và hiện chiếm 6% tổng số chuyến xe trên nền tảng mỗi tháng.
Trong khi đó tại Gojek, theo Tổng giám đốc Sumit Rathor, việc muốn phủ sóng xe điện vì nhận thấy "bước đầu thành công" khi hợp tác với Dat Bike.
Thị trường xe máy điện nói riêng và các phương tiện sử dụng năng lượng sạch nói chung tại Việt Nam đang có triển vọng, sau khi Chính phủ đề ra mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Theo Bộ Công Thương doanh số xe máy điện bán ra tại Việt Nam đã tăng khoảng 30-35% trong những năm gần đây.
Tính đến cuối năm ngoái, cả nước có gần 2 triệu xe máy điện đã đăng ký, chiếm tỷ lệ 2,7% tổng số mô-tô, xe máy đang lưu hành toàn quốc. Tiêu thụ xe máy điện năm 2022 tăng khoảng 30-35% so với 2021, theo Cục Cảnh sát giao thông.
Nền tảng dữ liệu MotorCycles Data cho biết Việt Nam là thị trường xe máy điện lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với doanh số phân khúc L1 (tương đương dưới 50 phân khối) tăng 11,5% và phân khúc L3 (tương đương từ 50 phân khối trở lên) tăng 59,7% vào năm ngoái.
Trong một tọa đàm tháng trước, Nhà sáng lập Selex Motors Nguyễn Hữu Phước Nguyên đánh giá chuyển dịch xe xăng sang xe điện là "xu thế không tránh khỏi" và "cơ hội hiếm gặp chỉ trăm năm có một". Nhưng với thị trường Việt Nam, vấn đề nhà sản xuất phải giải được bài toán làm ra những chiếc xe điện thiết thực về hiệu suất, chất lượng như một chiếc xe xăng.
Với các nền tảng gọi xe, giao hàng, nhu cầu về tính bền bỉ và sức mạnh của phương tiện có thể còn cao hơn. Giải bài toán này, Be cho biết mẫu Feliz S phù hợp với nhu cầu công việc của tài xế xe ôm công nghệ nhờ khả năng di chuyển đến 198 km mỗi lần sạc đầy, chịu được mức ngập nước cao 0,5 m trong 30 phút.
Trong khi, mẫu Selex Camel mà Gojek triển khai được nhà sản xuất công bố là vận hành trơn tru trong điều kiện khó khăn như khả năng chống nước chuẩn quốc tế, chịu ngập sâu đến 1m và leo đường độ dốc lớn. Chi phí nhiên liệu và bảo trì cũng được cho là thấp hơn xe xăng lần lượt 35% và 50%.
Thách thức thứ hai của việc phổ cập xe điện cho giới tài xế xe ôm công nghệ chính là thời gian sạc. Hiện thời gian sạc đầy pin của các mẫu xe máy điện phổ biến trên thị trường Việt Nam dao động từ 3 đến 7 tiếng. Theo một số tài xế đang sử dụng xe xăng, việc mất khoảng 3 giờ để chạy được chưa đầy 200 km có thể khiến thời gian mở ứng dụng chờ "nổ" đơn sẽ ngắn lại, nguy cơ ảnh hưởng doanh thu.
Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cũng nhận định muốn phát triển xe điện, Việt Nam cần phát triển một hạ tầng năng lượng mới, tương tự như hệ thống cây xăng cho xe dùng nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, startup này chọn giải pháp lập trạm đổi pin. Trong hợp tác với Gojek, tài xế có thể đổi pin miễn phí trong vòng 2 phút tại 30 trạm ở Hà Nội và hơn 40 trạm tại TP HCM.