Trải qua quá trình hình thành và tồn tại, 185 di tích ở TP HCM đã mang trong mình sứ mệnh gìn giữ văn hoá, tín ngưỡng cho biết bao thế hệ cộng đồng dân cư. Tuy nhiên theo thời gian, những công trình với số tuổi lên đến hàng trăm đang đứng trước nguy cơ “biến mất” vì sự xuống cấp nghiêm trọng.
Bài toán trùng tu, tôn tạo kịp thời vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài cần phải thực hiện để phát huy giá trị các di sản văn hóa và di tích trăm năm được lưu giữ trọn vẹn.
Ngôi đình gần 200 tuổi chờ diện mạo mới
Được tạo dựng năm 1836, Đình Tân Túc được biết đến là di tích cổ xưa tại huyện Bình Chánh. Ngôi đình được xem là biểu tượng văn hóa lâu đời về tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử vùng đất Gia Định xưa, được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố vào năm 2003.
Khuôn viên di tích Đình Tân Túc (Huyện Bình Chánh, TP HCM). ẢNH: DI LINH
Dưới tác động của thời gian, ngôi đình này đang từng ngày xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục như mái ngói đổ mục, cột kèo rui mè hư hỏng, những mảng tường bong tróc, hàng rào sụt lún… Thực trạng xảy ra đã 10 năm nay nhưng đến hiện tại khu di tích vẫn chưa được tu sửa, tôn tạo kịp thời.
Đầu năm 2023, chính quyền địa phương phải gia cố tạm bằng thanh sắt để giữ lại phần bức tường và mái ngói phía trước đình.
Các thanh sắt chống đỡ bố trí phía trước và trong đình. ẢNH: NHẬT DIỄM
Từ khi xuống cấp, ngôi đình gần 200 năm càng vắng khách thăm quan bởi e ngại về sự an toàn không được đảm bảo. Ông Bùi Trọng Nhân (ngụ huyện Bình Chánh) bày tỏ: “Cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng có thể sập bất cứ lúc nào, làm tôi không dám vào tham quan, chỉ mong sao địa phương có chính sách để trùng tu lại ngôi đình, duy trì được nét văn hoá dân tộc”.
Kết cấu tường không còn nguyên vẹn. ẢNH: NHẬT DIỄM
Bên cạnh sự lo lắng của người dân là nỗi xót xa của những người làm công tác quản lý đình. Ngôi đình giờ đây xuống cấp trầm trọng, các khu chánh điện, gian thờ hoang phế và nhiều cổ vật hư hỏng do mưa dột, nước ngập.
Theo ông Huỳnh Văn Hà, người quản lý đình Tân Túc cho biết do kết cấu của đình đã xuống cấp nên mỗi khi ngồi trong đình chính ông cũng cảm thấy vô cùng lo lắng bởi nguy cơ mất an toàn. Ông cũng không để khách tự ý vào tham quan, mỗi khi ai ghé đến khu di tích ông phải đi theo sát, chỉ từng chỗ đang bị hư hỏng để tránh nguy cơ rủi ro xảy ra.
Gian trước đình nhìn rêu mốc, không còn đảm bảo. ẢNH: NHẬT DIỄM
Khu vực nhà trưng bày cũng đã xuống cấp. ẢNH: NHẬT DIỄM
Trước thực trạng xuống cấp của đình Tân Túc, Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM cho biết dự án sửa chữa trùng tu đình đã được HĐND TP điều chỉnh bổ sung vào chủ trương đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư khoảng 42 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh đã lập dự án và được Sở Văn hoá- Thể thao thẩm định phê duyệt dự án kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Chánh có 08 di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp Thành phố (gồm 05 di tích lịch sử và 03 di tích kiến trúc nghệ thuật). UBND huyện Bình Chánh cho biết đều chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Trong đó, UBND huyện Bình Chánh đề xuất TP chấp thuận chủ trương cho trùng tu, sửa chữa đối với 03 di tích Đình Tân Túc, Đình Phú Lạc và Đình Bình Trường và đã được Sở Văn hoá và Thể thao ra Quyết định phê duyệt dự án sửa chữa, trùng tu di tích đối với 03 Đình này với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện: dự án sửa chữa, trùng tu di tích Đình Phú Lạc, Đình Tân Túc, Đình Bình Trường đã được Sở Văn hóa và Thể thao phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Huyện đã hoàn thành tổ chức lựa chọn nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán, trình Sở Văn hóa và Thể thao thỏa thuận thiết kế bản vẽ. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình Sở Xây dựng thẩm định; phấn đấu khởi công dự án Sửa chữa, trùng tu di tích Đình Tân Túc và Đình Phú Lạc, Đình Bình Trường trong Quý 4 năm 2023 và hoàn thành dự án đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Tuy nhiên, đến khi nào dự án mới bắt đầu được khởi công vẫn đang là dấu hỏi chấm trong lòng mỗi người làm công tác quản lý đình, khi câu chuyện trùng tu đã được hứa hẹn suốt nhiều năm nay.
Di tích đối diện nguy cơ thành “phế tích”
Câu chuyện trùng tu chậm trễ không chỉ là nỗi niềm xót xa riêng của đình cổ Tân Túc. Bên cạnh đó, những người làm công tác văn hoá cũng bày tỏ sự nuối tiếc trước thực trạng di tích khu lò gốm Hưng Lợi, Quận 8, TP.HCM đang đối diện nguy cơ trở thành “phế tích”.
Lò gốm Hưng Lợi được xem là khu di tích lò gốm duy nhất còn sót lại tại TP.HCM, ghi dấu một thời phát triển hoàng kim của nghề gốm hơn 300 năm về trước. Điều đáng buồn thay, sau 25 năm được công nhận di tích khảo cổ học quốc gia thì giờ đây, nó chỉ còn là hoài niệm quá khứ khi di tích trở nên hoang tàn và bị biến thành nơi trồng rau, nuôi chó, đốt rác thải của người dân xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Luận (ngụ Quận 8) cho biết: "Giờ đúng nghĩa là một bãi đất trống chứ không giống hình dáng của một khu di tích cổ nữa. Cỏ cây mọc um tùm, không có ai bảo vệ, canh giữ. Tôi nghĩ cần nhanh chóng bảo vệ, phục hồi lại để giữ nét lịch sử".
Hiện trạng di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, Quận 8, TP.HCM. ẢNH: DI LINH
Không khỏi xót xa trước những di tích bị xâm hại, Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, bày tỏ: “Lò gốm Hưng Lợi cũng đã được khai quật lên và có dự kiến phục dựng lại sản phẩm gốm để thế hệ ngày nay được biết đến những nét tinh tế của gốm xưa. Tuy nhiên, vướng vấn đề kinh phí đầu tư nên mọi thứ tại khu di tích lại trở về như ban đầu, người dân lại quay trở lại trồng trọt. Nơi đây lại trở thành một miếng đất hoang”.
Trước thực trạng khu di tích khảo cổ học dần bị lãng quên và bị xâm hại đến mức phải xoá sổ thì những người quan tâm đến văn hoá lịch sử giờ đây cũng chỉ biết trông vào hai chữ "chờ đợi", chờ đến ngày khi di tích được phục hồi, tu bổ để tiếp tục lưu giữ những giá trị lịch sử quý báu cho thế hệ mai sau.
Trùng tu để hồi sinh di tích
Với mức đầu tư 100 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, một khu di tích có tuổi đời hơn 150 năm đã được TP.HCM quan tâm, lên kế hoạch trùng tu.
Khu trại giam nằm trong khuôn viên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Quận 5. ẢNH: NHẬT DIỄM
Di tích được xem là một mô hình kết hợp đặc biệt vừa điều trị vừa giam giữ, không chỉ duy nhất có tại Việt Nam mà còn rất hiếm trên thế giới. Nơi đây từng giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng như Cố Tổng Bí thư Trần Phú, các chiến sĩ Trần Não, Nguyễn Văn Trỗi….Vào năm 1988, khu trại giam được Bộ Văn hoá xếp hàng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Dưới tác động của thời gian, hiện nay nhiều hạng mục của khu di tích dần bị xuống cấp, mai một khiến nơi đây phải tạm đóng cửa, ngưng đón khách để chờ ngày trùng tu.
Các mảng tường bong tróc, kết cấu không còn đảm bảo. ẢNH: NHẬT DIỄM
Song sắt hoen gỉ mục nát. ẢNH: NHẬT DIỄM
Phần mái ngói thấm dột. ẢNH: NHẬT DIỄM
Chỉ vào một mảng tường đã bong tróc, chị Trần Thị Quyên, cán bộ trung tâm văn hoá Quận 5, cho hay: “Nhìn vẻ bên ngoài khá chắc chắn nhưng thật sự kết cấu các bức tường đã xuống cấp vì thời gian xây dựng quá lâu. Nếu mà không trùng tu kịp thời thì việc hư hỏng sẽ lan rộng hơn rất là nhiều và đến một lúc sẽ bị đổ sập không thể sửa chữa” .
Việc sắp xếp, bố trí các đề mục trong trưng bày tại di tích cũng được đánh giá là chưa hợp lý. Phần trưng bày bổ sung chưa chuyển tải được nội dung, tính biểu cảm để làm nổi bật các giá trị, ý nghĩa của di tích. ẢNH: NHẬT DIỄM
Theo đề án tu bổ, tôn tạo khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán sẽ thực hiện ở các hạng mục như tu bổ nhà giam, chốt canh, tôn tạo sân vườn cảnh quan tổng thể, hạ tầng kỹ thuật, tôn tạo xây dựng cổng, xây nhà trưng bày quản lý, ….
Sau khi trùng tu, di tích hứa hẹn sẽ trở thành trở thành công trình xứng tầm di tích quốc gia, đáp ứng được nhu cầu về tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Bạn Nguyễn Đỗ Quyên - Sinh viên trường ĐH Phạm Ngọc Thạch TP.HCM chia sẻ: “Khu di tích cần có thêm tài liệu cho khách tham quan tới và tìm hiểu, đồng thời thì nên dựng nhiều mô hình mô phỏng để hình dung rõ hơn về nơi đây”. ẢNH: NHẬT DIỄM
Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ - Phó chủ tịch UBND Quận 5, cho biết: “Tiến độ thực hiện trùng tu khu trại giam bệnh viện Chợ Quán vẫn phải đảm bảo theo yêu cầu của Trung ương, do đó tới thời điểm này một số khu vực của khu trại bệnh viện Chợ Quán có xuống cấp nhưng chúng tôi vẫn chỉ có thể tiếp tục và theo dõi và sửa chữa, khắc phục ngay khi có sự cố.”
Mỗi di tích là một dấu vết của quá khứ. Mỗi một công trình di sản là một chứng tích lịch sử quan trọng. Mặc dù công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đã có những bước chuyển và mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan đây là nhiệm vụ vừa khó khăn, vừa phức tạp cần nguồn lực lớn cả về kinh phí lẫn nhân lực.