Mate 60 Pro+ có thiết kế và kích thước tương tự Mate 60 Pro, sử dụng màn hình OLED LPTO kích thước 6,82 inch nhưng độ phân giải cao hơn là 1.260 x 2.720 pixel. Máy dùng tấm nền tự động điều chỉnh tần số quét từ 1 đến 120 Hz và khả năng lấy mẫu cảm ứng tối đa 300 Hz. Màn hình thiết kế đục ba lỗ lạ mắt, trong đó một dành cho máy ảnh selfie độ phân giải 13 megapixel và hai là hệ thống nhận diện gương mặt 3D TOF với khả năng bảo mật cao, được cho là không thua kém FaceID của Apple.
Huawei không công bố chip xử lý bên trong Mate 60 Pro+, nhưng các nguồn tin cho biết sản phẩm "chắc chắn cũng trang bị chip Kirin 9000s sản xuất trên tiến trình 7 nm của SMIC và hỗ trợ 5G". Model có RAM 16 GB, cao hơn mức 12 GB của bản Pro, bộ nhớ trong 512 GB và 1 TB.
Máy vẫn được trang bị ba camera sau với camera chính và tiềm vọng cùng độ phân giải 48 megapixel, hỗ trợ chống rung quang học. Trong đó ống kính chính có thể thay đổi khẩu độ f/1.4-f/4.0. Camera góc siêu rộng nâng độ phân giải lên 40 megapixel so với mức 12 megapixel của hai model còn lại thuộc dòng Mate 60.
Pin dung lượng 5.000 mAh cùng sạc nhanh 88 W có dây và 50 W không dây. Máy có thể sạc ngược không dây cho thiết bị với công suất 20 W. Huawei có đề cập kết nối Wi-Fi 6, Bluetooth 5.2, NFC và hồng ngoại nhưng không nhắc đến kết nối 5G.
Ngoài việc hỗ trợ nhắn tin hai chiều qua mạng vệ tinh BeiDou giống Mate 60 và 60 Pro, phiên bản cao cấp 60 Pro+ còn có thể thực hiện cuộc gọi thoại nhờ vào hệ thống vệ tinh Tiantong. Sản phẩm được bán ra từ ngày 9/10 tại Trung Quốc.
Trong khi đó, SK Hynix cho biết đang điều tra việc chip nhớ của hãng xuất hiện trong smartphone mới của Huawei. Nhà sản xuất chip Hàn Quốc đã ngừng cung cấp chúng cho Huawei do lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Bloomberg tiến hành tháo rời Mate 60 Pro và cho biết RAM và chip nhớ tiên tiến của SK Hynix được trang bị cho Mate 60 Pro. Theo các nhà phân tích, SK Hynix không trực tiếp bán chip nhớ, nhưng Huawei có thể vẫn còn chip dự trữ, hoặc mua lại từ các nhà phân phối tại Trung Quốc.
Năm 2020, chính phủ Mỹ áp lệnh cấm đối với Huawei nhằm ngăn công ty tiếp cận linh kiện được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ và phần mềm của Mỹ. Kể từ đó, SK Hynix, Samsung Electronics và các nhà sản xuất bán dẫn khác đã ngừng cung cấp hàng hóa của mình cho hãng viễn thông Trung Quốc.