Alex Moeller đã có 1 tháng tuyệt vời và anh ta muốn chia sẻ điều đó với 2 triệu người theo dõi trên Instagram.
Trong một bức ảnh từ tháng 10/2022, vị doanh nhân kiêm người có tầm ảnh hưởng thuộc thế hệ Millennial này tạo dáng trên chiếc chuyên cơ riêng có ghế da thêu logo tên công ty: WiFi Money. Trong một bức ảnh khác, tại khu nghỉ dưỡng sang trọng miền nam Mexico, anh chàng thả mình bên hồ bơi vô cực hướng tầm nhìn ra vùng biển Caribe. Trong bài đăng thứ ba, bộ sưu tập siêu xe, trong đó có 1 chiếc Lamborghini Huracán và 1 chiếc McLaren 650, khiến người xem mãn nhãn.
“Nhiều năm làm việc chăm chỉ được đền đáp xứng đáng. Trong 24 tháng tới, chúng tôi sẽ giúp đỡ hơn 100.000 doanh nghiệp”, Moeller viết.
Ở chiều ngược lại, tháng 10 vừa qua đối với Jasmine Sadry và Joey Martin quả là đáng sợ.
Cặp vợ chồng người Texas này đang phải gánh khoản nợ hơn 100.000 USD và phần lớn trong số đó đã được đổ vào WiFi Money. Quá căng thẳng và tội lỗi, Martin nhập viện nhiều lần trong tình trạng say xỉn và sử dụng ma túy. Anh và vợ cũng chuẩn bị phải rời khỏi ngôi nhà ở khu vực Dallas vì không còn đủ khả năng chi trả.
Jasmine Sadry và Joey Martin không phải nạn nhân duy nhất của WiFi Money. Kể từ khi thành lập vào năm 2020, công ty này đã phải đối mặt với loạt cáo buộc gian lận sau khi rao giảng rất nhiều những bài học làm giàu, thậm chí hứa hẹn với khách hàng về khả năng kiếm tiền ở bất cứ đâu chỉ bằng cách thực hiện một hành động đơn giản: kết nối với WiFi.
Và thế là, WiFi Money bán cho những người Mỹ tuyệt vọng một niềm tin, rằng ngày nào đó, họ sẽ có được một cuộc sống dễ dàng. Lúc này, Moeller và đối tác kinh doanh của mình là Chris Frederick âm thầm tích lũy hàng triệu USD. Kết quả có được một phần nhờ kinh nghiệm tích lũy từ thời còn đi bán mỹ phẩm cho gia đình, rằng giá trị một người nhân viên giỏi nằm ở việc họ có thể bán bất cứ thứ gì, ngay cả khi chúng chỉ dựa trên sự ảo tưởng.
Ở tuổi 25, Moeller thành lập MentorCI, công ty tiếp thị hứa hẹn giúp khách hàng trở nên giàu có bằng cách tăng lượng người theo dõi trên mạng xã hội. Công việc kinh doanh vô cùng thuận lợi khi chỉ trong vòng 1 năm, anh chàng đã sở hữu khoảng 1.000 khách hàng. Đa số đều đạt mong muốn nhờ các phần mềm tự động tăng/hủy theo dõi tài khoản trên Instagram.
“Đầu tư vào các kế hoạch của tôi, trả tiền cho các buổi hội thảo của tôi, tuân theo các triết lý kinh doanh của tôi và bạn sẽ được sống trong những khu nghỉ dưỡng sang trọng” - đó là thông điệp mà Moeller muốn truyền tải.
Bốn thập kỷ bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng tiền lương chậm chạp đã đẩy ngày càng nhiều người Mỹ tìm đến các phương tiện đầu tư phù phiếm như cổ phiếu meme và tiền số - những thứ tạo ra sức hấp dẫn của thu nhập thụ động. Một cuộc thăm dò được thực hiện vào năm 2020, khi các công ty internet như Uber và Etsy quảng bá tầm nhìn kinh doanh tự sản xuất tại nhà, cho thấy khoảng 1/3 người Mỹ có nghề tay trái.
Farnaz Ghaedipour, người nghiên cứu mạng xã hội và làm việc tại Đại học Stanford, cho biết: “Mọi người thường không thực sự hài lòng với công việc hiện tại của họ. Công việc tay trái theo đó trở nên vô cùng hấp dẫn. Mạng xã hội khiến cho việc này càng khả thi hơn”.
Tự do tài chính đã trở thành nền tảng trong triết lý Moeller sau khi một trong những khách hàng trên Instagram giới thiệu anh với Chris Frederick - thanh niên từng bỏ học để chơi bóng đá, sau đó tự tìm thấy tiếng gọi con tim với tư cách người tự quảng bá hình ảnh. Vào năm 2018, một thông cáo báo chí đã liệt kê vài nghề tay trái của Frederick, cụ thể như sau: cho thuê xe hơi hạng sang, huấn luyện kinh doanh và kiếm tiền từ Instagram.
Frederick và Moeller chia sẻ động lực tự quảng cáo không ngừng nghỉ và coi mạng xã hội như một công cụ kinh doanh. Đến năm 2019, họ cùng nhau hợp tác trong Money Mastery Blueprint, một chương trình đào tạo trực tuyến với giá 1.997 USD, hứa hẹn sẽ dạy cho những người có ảnh hưởng tương lai cách tăng lượng người theo dõi. Cái tên WiFi Money cũng ra đời từ đây.
Cùng với Frederick và Moeller, thế giới WiFi Money bao gồm cả một nhóm những người có tầm ảnh hưởng liên kết sử dụng thương hiệu WiFi Money trên mạng xã hội và rao bán cơ hội đầu tư của nhóm. Có anh trai của Moeller, Billy (@wmoeller85, 1,6 triệu người theo dõi), Chris Casey (@chris.casey, 624.000 người theo dõi), Todd Cahill (@toddmcahill, 383.000 người theo dõi), Liz Friesen (@liz.friesen, 465.000 người theo dõi)...
Phương thức hoạt động của WiFi Money là hợp tác với một loạt công ty bên ngoài để đưa ra nhiều chương trình kiếm tiền cho khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng. Một số được quảng cáo có thể mang lại lợi nhuận hàng năm từ 10% đến 25%.
Khách hàng và nhà đầu tư được chiêu mộ khắp nơi, không chỉ trên mạng xã hội mà còn từ bạn bè, hàng xóm và những doanh nhân tương lai khác. Những người đưa tiền cho WiFi Money thường được khuyến khích giới thiệu thêm những người khác nữa để đổi lấy phần lợi nhuận.
Công ty khẳng định mô hình kinh doanh của mình mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. James Ragano, luật sư của công ty, cho biết: “WiFi Money đã giúp vô số khách hàng của mình trở nên thịnh vượng, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch cũng như sau đó, bất chấp những cơn gió kinh tế luôn thay đổi”.
Trong cơn sốt tiền điện tử năm 2021, Moeller và Frederick gia nhập nhóm lãnh đạo một dự án tiền số có tên là Noble nhằm mục đích bán NFT và mở rộng sang metaverse. Frederick được bổ nhiệm làm giám đốc tiếp thị, trong khi Moeller phụ trách phát triển kinh doanh. Một số nhà đầu tư đã rót hàng chục nghìn USD vào sáng kiến này, mua tiền số của Noble và hy vọng chúng sẽ tăng giá cao.
Ngay sau khi ra mắt, đúng là giá token này đã tăng gấp 4 trong vòng chưa đầy một tháng. Tuy nhiên, nó nhanh chóng giảm xuống còn 0,000039 USD, giảm 97% so với mức đỉnh. Lời quảng cáo hoa mĩ trước đây không bao giờ thành hiện thực.
Vào năm 2020, Joey Martin tình cờ biết đến Moeller khi đang nung cấu trong mình ý định tìm kiếm nguồn thu nhập thụ động mới. Trong các cuộc gọi đầu tiên, Moeller cố thể hiện mình là một người giải quyết vấn đề bằng giọng nói trôi chảy, đồng thời rao giảng về chương trình tự động hóa Amazon.
Chỉ với một khoản phí trả trước, Martin sẽ trở thành chủ sở hữu cửa hàng trên Amazon Marketplace. Mỗi khi khách đặt mua một sản phẩm bất kỳ, “trợ lý ảo” sẽ sử dụng thẻ tín dụng đứng tên Martin để lấy sản phẩm này từ cửa hàng phụ, sau đó gửi trực tiếp cho khách hàng. Martin chỉ việc ngồi không và bỏ túi tiền chênh lệch.
Thực tế, WiFi Money bỏ túi khoản phí ban đầu từ Martin, song lại không thực sự mở cửa hàng giúp anh. Tất cả đều được thực hiện bởi một bên thứ ba có tên Kyncey Investments.
“Thành thật mà nói, về cơ bản là kiệt sức về mặt tinh thần. Chúng tôi sụp đổ hoàn toàn”, Martin nói.
Cửa hàng của vợ chồng Martin hiện đã bị Amazon đình chỉ, phần vì nhận được đánh giá thấp từ khách hàng. Nhiều nhà đầu tư khác cũng phải đối mặt với tình trạng đình chỉ tương tự. Một số thậm chí còn chưa lập cửa hàng đã bị hất văng.
“Trái ngược với suy nghĩ thông thường, chúng tôi có rất nhiều khách hàng kiếm được lợi nhuận đáng kể và đại đa số đều rất vui khi cửa hàng của họ bắt đầu hoạt động trở lại”, Moeller nói trước những cáo buộc lừa đảo.
Daemon Budkowski, cựu diễn viên sống tại Los Angeles, cho biết khoản đầu tư vào WiFi Money đã khiến anh gặp rủi ro. “Tôi muốn đầu tư - để kiếm sống song bây giờ, thành thật mà nói, công ty đó đã hủy hoại cuộc đời tôi”.
Hiện gần 100 đơn khiếu nại đã được gửi tới FTC. Không rõ cơ quan này có đang tiến hành điều tra hay không. Đại diện phát ngôn cho biết họ không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Theo: Business Insider