Chứng khoán

Tiềm lực của Tập đoàn I.P.A trước khi rót thêm hàng trăm tỷ đồng vào VNDirect?

IPA dự chi hơn 600 tỷ đồng trong đợt chào bán cổ phần của VNDirect

Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) vừa công bố giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp. Theo đó, công ty sẽ thực hiện chào bán thời gian thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận.

Công ty thông báo ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm (tỷ lệ 5:1) và nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 5%) vào ngày 30/5.

Kế hoạch phát hành cổ phiếu đã được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Theo phương án, VNDirect dự kiến chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 (cổ đông sở hữu mỗi 5 cp sẽ có quyền mua 1 cp mới). Thời gian đăng ký và nộp tiền mua cổ phần từ 6/6 đến 3/7.

Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, tương đương với số tiền dự kiến huy động 2.437 tỷ đồng. Công ty dự kiến sử dụng 40% dòng vốn mới để bổ sung cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, 20% số tiền để đầu tư vào giấy tờ có giá, 20% để bảo lãnh phát hành chứng khoán và 20% cho hoạt động phát hành và phân phối chứng quyền.

Tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán đợt này là 304,5 triệu cp. Nếu thực hiện thành công, VNDirect sẽ tăng vốn điều lệ từ 12.178 tỷ lên gần 15.223 tỷ đồng.

IPA đang là cổ đông lớn duy nhất tại VNDirect. (Ảnh minh họa- Nguồn: VNDirect).

Theo cơ cấu cổ đông hiện nay, Tập đoàn Đầu tư I.P.A (Mã: IPA) là cổ đông lớn duy nhất, nắm giữ 25,8% vốn VNDirect. Với gần 315 triệu cổ phiếu VND đang sở hữu, IPA có quyền mua 62,93 triệu cp phát hành, tương đương với chi số tiền trên 629 tỷ đồng (nếu thực hiện quyền).

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNDirect Phạm Minh Hương (đồng thời đảm nhiệm thành viên Hội đồng quản trị IPA) cũng sở hữu 35,9 triệu cp, tương ứng với 2,95% vốn VNDirect. Bà Hương có quyền mua 7,18 triệu cp, tương đương với số tiền dự kiến chi gần 72 tỷ đồng (nếu thực hiện quyền).

Vậy tiềm lực của IPA đang như thế nào trước thềm VNDirect thực hiện tăng vốn điều lệ?

IPA tiềm lực ra sao, đang đầu tư vào lĩnh vực nào?

IPA được thành lập năm 1998 (đến nay 26 năm), tiền thân là công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực logistics, sau đó chuyển đổi mô hình thành công ty đầu tư vào tháng 3/2006.

Cùng năm 2006, IPA thành lập CTCP Chứng khoán VNDirect để tham gia vào lĩnh vực đầu tư tài chính. Theo IPA, VNDirect là khởi đầu trong sự nghiệp start-up của tập đoàn này.

Sau khi VNDirect niêm yết năm 2010, IPA đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Năng lượng Bắc Hà và đã hoàn công, đưa vào phát điện Nhà máy thủy điện Nậm Phàng với tổ hợp công suất 36 MW (lĩnh vực đầu tư công nghiệp).

Tại báo cáo thường niên 2023 của IPA,  ông Vũ Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị IPA cho biết dù đã chuyển đổi từ 2006, tập đoàn chưa thực sự mở rộng được tiềm năng tích lũy qua nhiều năm. Năm 2024, ban lãnh đạo dự định tái cấu trúc toàn diện hoạt động tổ chức kinh doanh, tiếp tục tìm kiếm nhân sự điều hành để có thể mở rộng hoạt động đầu tư đã xây dựng nền móng, để hoàn thành một hệ sinh thái phục vụ cho khách hàng. tập đoàn cho biết qua năm 2024 dự kiến sẽ đầu tư danh mục vào các công ty tư nhân trong các lĩnh vực: Start-up, công nghệ, F&B, năng lượng xanh, dịch vụ hạ tầng, dịch vụ tài chính.

IPA cũng tiếp tục mở rộng đầu tư từ danh mục các công ty, hướng tới các giá trị phục vụ đời sống người Việt, gồm IPAM Life (Công ty Homefood, Thảo mộc Bản địa Việt, Di sản thiên nhiên Hoàng Liên Sơn, Ong trung ương...), IPA Solution (IPA Solution, IPAM), IPA Financial (VNDirect, IPAAM), IPA Investments.

Sau nhiều lần tăng vốn, IPA hiện có vốn điều lệ 2.138 tỷ đồng. Cổ đông lớn gồm Công ty TNHH Quản lý Đầu tư H&H (55,45% vốn) và bà Lương Thu Hằng (5,25% vốn). H&H là công ty do vợ chồng bà Phạm Minh Hương và ông Vũ Hiền sở hữu 100% vốn.

Theo báo cáo tài chính riêng quý I/2024, giá trị tổng tài sản IPA tại cuối tháng 3 đạt khoảng 5.900 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương duy trì vài tỷ đồng (đang đạt gần 2 tỷ đồng tại 31/3). Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 456 tỷ đồng, tăng 57% sau 3 tháng.

Trong khi đó, 87% tài sản nằm tại khoản mục đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, góp vốn vào đơn vị khác).

IPA có 4 công ty con gồm IPAAM, IPALIFE, Đầu tư IPAF, Thương mại và Đầu tư IPA Cửu Long, với tổng số vốn 940 tỷ đồng. Trong đó IPALIFE chiếm 738 tỷ đồng.

Nhóm công ty liên kết chiếm hơn 2.900 tỷ đồng giá trị đầu tư tại cuối quý I. Trong đó, số tiền rót vào VNDirect chiếm 85%, tương ứng với 2.480 tỷ đồng. Khoản đầu tư này đang được ghi nhận giá trị hợp lý 7.221 tỷ đồng, tức lãi gấp 3 lần.

Đến quý I/2024, IPA vừa thực hiện một thương vụ đầu tư mới vào CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam, thành viên của Tập đoàn Trung Nam. Cụ thể, IPA đã đầu tư Năng lượng tái tạo Trung Nam với giá trị gốc 850 tỷ đồng, tương ứng 9,36% vốn điều lệ tại ngày 31/3. Thông tin liên quan, IPA từng đầu tư vào trái phiếu của thành viên của Trung Nam (CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam) với giá trị 916 tỷ đồng, nhưng đến tháng 6/2023 không còn ghi nhận.

Bên cạnh đó, IPA duy trì số dư đầu tư hơn 928 tỷ đồng tại CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand - Mã: CRE), nhưng đang phải trích lập dự phòng 474 tỷ đồng.

Thuyết minh các khoản đầu tư tài chính của IPA tại 31/3. (Nguồn: BCTC riêng quý I).

Từng đạt lợi nhuận trên nghìn tỷ

Với mô hình như trên, hiệu quả hoạt động của IPA chịu ảnh hưởng đáng kể từ tình hình kinh doanh của các khoản đầu tư. Tuy nhiên, theo IPA, việc đa dạng các lĩnh vực có yếu tố riêng biệt đã giúp tập đoàn cân bằng được các rủi ro trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn và biến động năm 2023.

Cụ thể, năm 2023, doanh thu hợp nhất đạt 347 tỷ đồng, tăng 18% so với 2022. Do giá vốn tăng nhanh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 10% về 140 tỷ đồng. Doanh thu và chi phí tài chính giảm lần lượt 46% và 40%. Phần lãi trong công ty liên doanh liên kết tăng 67%, tương ứng gần 200 tỷ đồng, giúp lợi nhuận sau thuế gấp 2,5 lần năm 2022 đạt 336 tỷ đồng.

Đến quý I, doanh thu tài chính và chi phí tài chính giảm khoảng 74-76% so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến kết quả lỗ 51 tỷ đồng, thấp hơn so với 193 tỷ đồng của cùng kỳ quý I/2023.

Trước đó, bức tranh kinh doanh của IPA (công ty mẹ) không quá đặc sắc khi lãi/lỗ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng mỗi năm. Đột biến rơi vào năm 2021 với lợi nhuận sau thuế đạt 1.028 tỷ đồng. Kết quả tăng vọt đến từ khoản thu tài chính, do tăng thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, thu nhập từ đầu tư và sử dụng vốn tăng, cùng khoản thu nhập từ lãi tiền vay. 

Phát hành 3 lô trái phiếu tổng mệnh giá 3.000 tỷ

Về tình hình nợ, tại 31/3, nợ phải trả của IPA ghi nhận hơn 3.800 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với cuối 2023. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 87%, tương ứng với hơn 3.300 tỷ đồng.Công ty không còn ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn trên 1.000 tỷ đồng tại cuối 2023.

Về tình hình vay nợ, tại 31/3, IPA đang vay ngắn hạn 329 tỷ đồng và vay dài hạn 3.000 tỷ đồng. Vay ngắn hạn chủ yếu là khoản 317 tỷ đồng đối với CTCP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ. Khoản vay này chỉ có lãi suất 0,5%/năm. Tài sản đảm bảo là quyền tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn các khoản phải thu của IPA và tài sản hình thành từ khoản vay của hợp đồng).

 

IPA không sử dụng bất kỳ cổ phiếu nào để cầm cố, đi vay.

 Thuyết minh khoản vay của IPA tại 31/3. (Nguồn: BCTC riêng quý I).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm