Vòng xoáy bạo động vũ trang tại lãnh thổ hải ngoại New Caledonia nằm ở Nam Thái Bình Dương của Pháp vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt sau gần một tuần. Việc chính phủ Pháp tăng cường điều quân đội và an ninh đến quần đảo đã khiến căng thẳng leo thang nhất kể từ sau những cuộc nổi dậy trong những năm 1980.
Lực lượng nổi dậy địa phương tiếp tục dựng gần 80 rào chắn, chướng ngại vật trên các tuyến đường tại New Caledonia ngăn cản xe thiết giáp của quân đội Pháp. Cho đến ngày hôm qua (19/5), quân đội Pháp mới lấy lại quyền kiểm soát tuyến đường nối từ thủ phủ Nouméa dẫn đến sân bay.
Thống kê cho thấy đến nay đã có 6 người tử vong, trong đó có 2 thành viên lực lượng an ninh Pháp. Nền kinh kế New Caledonia (tiếng Pháp là Nouvelle Calédonie) gần như đình trệ khi 80% cửa hàng bị phá huỷ và ô tô bị đốt cháy la liệt tại Nouméa. Người dân địa phương phải mất nhiều giờ đồng hồ xếp hàng mới mua được thực phẩm thiết yếu như bột mì, nước uống đang thiếu hụt tại quần đảo.
Trước diễn biến tình hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định triệu tập Hội đồng Quốc phòng an ninh Pháp lần thứ 3 vào lúc 18h30 ngày hôm nay (20/5) theo giờ Paris.
Tuy nhiên, lãnh đạo bốn tỉnh hải ngoại khác của Pháp là Réunion, Guyane, Martinique và Guadeloupe đã ký chung một bản kiến nghị đề nghị rút lại sửa đổi cải cách Hiến pháp mở rộng đoàn cử tri được phép tham gia bầu cử địa phương tại New Caledonia vốn là nguồn gốc gây ra bạo loạn. Theo lãnh đạo 4 tỉnh hải ngoại này, phản ứng an ninh bao gồm áp dụng các biện pháp đặc biệt như cấm đi lại, quản thúc tại gia các thủ lĩnh địa phương, khám xét cũng như điều động thêm cảnh sát và hiến binh không phải là giải pháp cho tình hình tại quần đảo này.
Các chính trị gia tại Pháp kêu gọi chính phủ thành lập “Phái đoàn đối thoại” để thúc đẩy một thoả thuận đàm phán giữa những người dân bản địa với người Caledonia có nguồn gốc từ châu Âu vốn bế tắc kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2021 về quyền độc lập của quần đảo New Caledonia.
Cuộc bạo loạn tại New Caledonia vẫn tiếp diễn khiến cho một số quốc gia trong khu vực trong đó có Australia và New Zealand lo ngại. Hiện tại nhiều công dân Australia đang mắc kẹt tại đây và không quân nước này đã sẵn sàng và đang chờ đợi thời điểm để đưa công dân về nước.
Trả lời phỏng vấn báo chí Australia hôm nay, Thủ tướng nước này Anthony Albanese cho biết Australia lo ngại về những diễn biến tại New Caledonia.
Vào tuần trước, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cũng ra tuyên bố cho biết cuộc biểu tình bạo loạn tại Noumea, thủ đô của New Caledonia khiến cho các quốc gia ở Thái Bình Dương hết sức lo ngại. Ngoại trưởng Winston Peters kêu gọi các bên nỗ lực giảm căng thẳng và tiến hành đối thoại.
Hiện tại sân bay tại New Caledonia đã bị đóng cửa khiến cho khoảng 3200 khách du lịch nước ngoài bị mắc kẹt tại đây.
Trong bối cảnh bạo lực vẫn đang tiếp diễn cho dù Pháp đã cử lực lượng đến để hỗ trợ chính phủ New Caledonia nên nhiều quốc gia trong đó có Australia đang lên kế hoạch đưa công dân về nước.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong hôm qua cho biết khoảng 300 công dân của nước này đang ở New Caledonia đã đăng ký với Bộ Ngoại giao để yêu cầu trợ giúp. Hiện Australia đang làm việc chặt chẽ với Pháp và chính quyền New Caledonia cũng như các đối tác có chung quan điểm để tìm kiếm cơ hội đưa công dân Australia rời khỏi nước này một cách an toàn. Bộ Ngoại giao Australia cũng cho biết lực lượng không quân của nước này cũng đã chuẩn bị sẵn máy bay để sẵn sàng đưa công dân về nước khi sân bay mở cửa trở lại.