Gia đình ban đầu chủ quan, không đưa bé đi khám ngay do con chó đã được tiêm phòng dại. Đến khi phát hiện dịch nước bọt và thức ăn chảy ra từ vết thương trên cổ của bé trong bữa ăn, bệnh nhi mới được đưa đến viện cấp cứu.
Hôm 10/4, bác sĩ Vũ Đức Thịnh, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), nói khám ban đầu cho thấy vùng cổ bệnh nhi có hai vết cắn rỉ dịch, biểu hiện của tổn thương sâu vào thực quản. "Tình trạng này vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, viêm trung thất hoặc thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời", ông Thịnh cho hay.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính xác nhận khí quản của bé không bị ảnh hưởng, nhưng nội soi phát hiện thực quản có hai lỗ thủng. Các bác sĩ lập tức phẫu thuật để mở rộng và kiểm soát tổn thương, đồng thời thực hiện mở thông dạ dày để cung cấp dinh dưỡng qua đường ống, hỗ trợ thực quản hồi phục.
Hiện tại, sau điều trị tích cực, bé đã vượt qua nguy hiểm nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ.

Bác sĩ kiểm tra vế thương cho bệnh nhi sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Dù con chó đã được tiêm phòng dại, các bác sĩ không loại trừ nguy cơ nhiễm virus dại. Bé được tiêm ba mũi huyết thanh kháng dại, một mũi vaccine phòng dại và sẽ tiêm đủ phác đồ theo dõi an toàn. Gia đình được yêu cầu nhốt và theo dõi con chó trong 10-14 ngày để phát hiện các dấu hiệu bệnh dại, nếu có.
Bác sĩ nhấn mạnh, trong các trường hợp bị chó hoặc động vật cắn, cần nhanh chóng rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn hoặc dung dịch sát trùng. Ngay cả khi vết thương không chảy máu nhiều, vi khuẩn hoặc virus từ nước bọt động vật vẫn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng nguy hiểm.
Khi vết cắn ở các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, tay hoặc chân, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để kiểm tra và tiêm phòng dại nếu cần thiết. Đồng thời, quan sát con vật cắn trong 10-14 ngày, báo ngay cho bác sĩ nếu con vật có biểu hiện bất thường để kịp thời xử lý, tránh hậu quả nghiêm trọng.