Những khó khăn về tín dụng khi ngân hàng hạn chế cho vay mới thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến giao dịch trên thị trường BĐS.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, quý III/2022, có 51.003 giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ thành công (tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP.HCM), giảm 26% so với quý trước.
Trong đó, miền Bắc có 9.627 giao dịch, miền Trung có 17.425 giao dịch và miền Nam có 23.951 giao dịch. Riêng tại tại Hà Nội có 1.508 giao dịch thành công, TP HCM có 2.144 giao dịch thành công.
Phân khúc đất nền ghi nhận 115.129 giao dịch thành công, giảm 46% so với quý trước (hơn 213.000 giao dịch). Trong đó, miền Bắc có 21.806 giao dịch, miền Trung có 18.789 giao dịch, miền Nam có 74.534 giao dịch.
Giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Số thuế, phí thu từ giao dịch BĐS trong năm 2022 vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ
Còn theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê sơ bộ tháng 10 năm 2022, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt nhỏ hơn 10%, mức thấp kỷ lục, khá giống tình hình năm 2010 - 2011.
Các khu vực có thị trường bất động sản sôi động nhất cả nước trong năm 2022 như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh,… cũng đều đang rơi vào trạng thái trầm lắng, ế ẩm.
Dù thị trường BĐS rơi vào trầm lắng suốt từ quý III đến nay, tuy nhiên số thuế, phí thu từ BĐS vẫn ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Tổng cục thuế, 11 tháng qua, các khoản thu từ nhà, đất chiếm khoảng 17,2% tổng thu nội địa, số thu ước đạt 222.626 tỷ đồng, bằng 136,9% so với dự toán, bằng 130,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu tiền sử dụng đất ước đạt 183.681 tỷ đồng, bằng 136,1% dự toán, bằng 134,8% so với cùng kỳ; thu tiền thuê đất ước đạt 35.382 tỷ đồng, bằng 143,1% dự toán, bằng 110,2% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, số thu tăng thêm 30% so với cùng kỳ là do thị trường bất động sản tiếp tục sôi động từ cuối năm 2021 cho đến cuối quý I/2022, đồng thời cơ quan thuế tăng cường đôn đốc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thu nợ đối với các dự án đã thực hiện giao đất và cho thuê đất trong năm 2021.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện có hiệu quả công điện chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của Tổng cục Thuế, các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý thu thuế chặt chẽ, chống thất thu đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản từ đó người dân có ý thức nộp thuế để hoàn thiện các hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất.
Mặc dù vậy, Tổng cục Thuế cũng chỉ ra số thu thuế, phí từ bất động sản đang có dấu hiệu chững lại và sụt giảm qua các tháng gần đây. Không chỉ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản giảm tốc, mà thu lệ phí trước bạ từ nhà đất cũng đang sụt giảm mạnh.
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tháng 6 thu lệ phí trước bạ tăng 78,4%, thì bước sang tháng 7, số thu chỉ bằng 76,8% so với tháng 6, tháng 8 bằng 72%, tháng 9 bằng 56,4%, tháng 10 bằng 57,4% và tháng 11 ước chỉ bằng 44,9%.