LPB đứng đầu về tăng giá lẫn thanh khoản
Tuần qua (5/12 - 9/12), nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với 11 mã tăng giá và 16 mã giảm. Trong đó, LPB là mã tăng mạnh nhất ngành với mức +12,8%, kết tuần tại mức giá 13.700 đồng/cp, vùng giá hồi tháng 8 năm nay của cổ phiếu này.
Diễn biến giá tích cực của cổ phiếu LPB xảy ra trong bối cảnh ông Nguyễn Đức Thụy lên làm Chủ tịch LienVietPostBank, thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy, người đã xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Xếp sau LPB là STB với mức tăng 7,4%. Trong tuần, cổ phiếu này đã có 2 phiên tăng kịch trần và một phiên giảm sàn. Các cổ phiếu ngân hàng khác có mức tăng trên 2% tuần qua còn có NAB (+4,5%), EIB (+3,7%), NVB (+3,3%), OCB (+2,9%), KLB (+2,2%).
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được duy trì với hơn 1,15 tỷ cp được giao dịch, đi ngang so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch tương đương đạt 21.146 tỷ đồng, tăng 4,6%.
Xét về khối lượng giao dịch, LPB tăng thêm 11% so với tuần trước, đạt mức 206 triệu cổ phiếu được trao tay, tiếp tục đứng đầu toàn ngành. Cổ phiếu này được giao dịch "sôi động" trên cả thị trường khớp lệnh và thỏa thuận. Trong 3 phiên đầu tuần, đã có hơ 86 triệu cp LPB được giao dịch theo hình thức thỏa thuận.
Ngoài LPB, các cổ phiếu khác có khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu đơn vị còn có VPB, SHB, STB. Thanh khoản của cả 3 cổ phiếu này so với tuần trước đó đều đạt tăng trưởng 2 con số.
Song xét về giá trị giao dich, STB vẫn đứng đầu ngành với mức 3.517 tỷ đồng. Xếp sau đó là mức 3.137 tỷ đồng của VPB và 2.714 tỷ đồng của LPB.
STB cũng tiếp tục là tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này mua ròng thêm 407 tỷ đồng trong tuần qua, nâng giá trị mua ròng trong 2 tuần trở lại lên hơn 1.200 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại 134 tỷ đồng VCB và 57 tỷ đồng BID.
Có động thái tương tự, khối tự doanh cũng đã mua ròng hơn 103 tỷ đồng STB. Ngoài ra, nhóm này cũng mua ròng 91,5 tỷ đồng ACB, 80 tỷ đồng TCB; trong khi đó, không bán ròng đáng kể cổ phiếu ngân hàng nào.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Nam A Bank đã bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới VIII (2021-2026). Ông Trần Ngô Phúc Vũ trở thành tân Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Vietcombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường bàn về việc tăng vốn. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ngân hàng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Sacombank hạ giá 18 khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú. Giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra trong lần đấu giá này là 7.934 tỷ đồng, giảm 700 tỷ đồng so với lần rao bán trước đó. Phía ngân hàng cho biết sẽ bán toàn bộ 18 khoản nợ, không tách rời.
SHB đã phát hành thành công hơn 400 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 15 cổ phiếu mới, nâng vốn điều lệ lên mức 30.674 tỷ đồng.
Ông Dương Công Đoàn, anh trai Phó Chủ tịch LienVietPostBank đăng ký bán hơn 15 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu mà ông Đoàn sở hữu tại LienVietPostBank sẽ giảm từ 25,37 triệu cổ phiếu xuống còn 10 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là hơn 0,665%.
FPT Capital muốn bán hơn 783.000 cổ phiếu TPBank. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 12/12/2022 đến 10/1/2023 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu giao dịch này thành công, FPT Capital không còn nắm giữ cổ phần nào tại TPBank.
Techcombank xin ý kiến cổ đông việc rót thêm hơn 10.000 tỷ vào TCBS. Ngân hàng cho biết việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của TCBS nhằm đảm bảo tính chủ động và hiệu quả trong hoạt động của TCBS và hiệu quả đầu tư của Techcombank.