Khối ngoại giảm mua ròng trên thị trường chứng khoán - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần điều chỉnh với áp lực bán mạnh, sau khoảng thời gian bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản.
Khép tuần, chỉ số VN-Index neo ở mốc 1.051,8 điểm (-2,6% so với tuần trước). Thanh khoản toàn thị trường giảm nhẹ với mức bình quân 19.860 tỉ đồng/phiên (-2,8%).
Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng tuần thứ năm liên tiếp với tổng giá trị 24.000 tỉ đồng. Trong đó dòng tiền được góp sức từ nhóm quỹ Hàn Quốc, Đài Loan... Tuy nhiên mức mua ròng trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong tuần này của khối ngoại đã giảm hơn 54% so với tuần trước, đạt xấp xỉ 4.190 tỉ đồng.
Nhìn vào diễn biến giao dịch có thể thấy sự phân hóa rõ rệt trong ngành ngân hàng và bất động sản. Chẳng hạn, giữa lúc cổ phiếu nhiều ngân hàng lớn như BID (BIDV, -4,9%), MBB (MBBank, -3,2%), VPB (VPBank, -2,3%) bị rớt giá, thì các mã khác lại tăng tích cực như HDB (HDBank, +1,8%), STB (Sacombank, +7,4%) và LPB (LPBank, +12,8%).
Ở nhóm bất động sản, ngay lúc các mã NLG (Nam Long, +2,9%) và KDH (Nhà Khang Điền, +3,3%) tăng điểm, thì DXG (Đất Xanh, -1,7%), BCG (Bamboo Capital, -1,9%) và VHM (Vinhomes, -5,4%) lại bị giảm.
Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận được mức tăng điểm tốt của cổ phiếu ngành chứng khoán như SSI (+4,1%), VCI (Bản Việt, +5,8%) và VND (VNDirect, +11,5%)...
Ngoài ra, với thông tin nối lại chuyến bay thường lệ Việt Nam - Trung Quốc, cổ phiếu nVJC (Vietjet Air, +4,7%) và HVN (Vietnam Airlines, +10,3%) đồng loạt tăng điểm mạnh.
Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Chứng khoán VNDirect - nhận định tuần này có một số thông tin tích cực được công bố như: Trung Quốc cho người dân với triệu chứng nhẹ được cách ly và điều trị tại nhà, Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và bơm tiền qua kênh thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Mặc dù vậy, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi những thông tin vĩ mô liên quan đến lạm phát của Mỹ cũng như hành động tiếp theo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) về chính sách tiền tệ.
Về giao dịch tuần tới (từ 12 đến 16-12-2022), ông Hinh cho biết sẽ có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra, bao gồm hoạt động công bố số liệu lạm phát tháng 11 của Mỹ vào thứ ba (13-12), phiên họp quyết định chính sách tiền tệ của FED vào thứ 4 và thứ 5 (14 và 15-12) và phiên đáo hạn phái sinh vào thứ 5 (15-12).
"Trước những sự kiện quan trọng đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trong tuần giao dịch tới", ông Hinh cho hay.
Khi vẫn còn những điều không chắc chắn ở phía trước, thị trường khó có thể bứt phá trong tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index có thể duy trì xu hướng tích lũy trong vùng 1.030 - 1.070 điểm.
Vì vậy, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp tích lũy của thị trường để tái cơ cấu danh mục đầu tư, chuyển hướng sang những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng (nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có động thái hỗ trợ thanh khoản), chứng khoán (điểm số và thanh khoản thị trường chứng khoán phục hồi), bảo hiểm (hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng), vật liệu xây dựng và hạ tầng giao thông (tăng tốc giải ngân đầu tư công) và điện (dòng tiền và cổ tức ổn định).
Bên cạnh đó, nên duy trì tỉ trọng tiền mặt/cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy margin (vay ký quỹ) để hạn chế rủi ro phòng trường hợp thị trường bất ngờ đảo chiều khi có những rủi ro không dự tính trước xuất hiện.
Phía Chứng khoán Mirae Asset cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ dao động trong vùng 1.030 điểm đến đỉnh của nhịp hồi vừa qua (gần 1.100 điểm) trong khi chờ đợt tín hiệu từ thị trường chứng khoán thế giới trong tuần tới.
Về chiến lược giao dịch tuần tới, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), do Trần Minh Hoàng làm trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu, cho rằng nhà đầu tư có thể tiếp tục giữ tỉ trọng cổ phiếu so với tiền ở mức vừa phải khoảng 50:50, có thể chốt lời một phần và canh mua lại trong các nhịp sụt giảm trong phiên cho mục đích lướt sóng ngắn hạn.