Tự do tài chính là một cột mốc quan trọng đánh dấu cho tự do về mặt tiền bạc của mỗi người, khi đã đạt được cột mốc này rồi thì đó là lúc chúng ta có thể thoải mái sống và không cần lo việc kiếm tiền nữa.
Nhưng có nhiều người sau khi có được tự do tài chính rồi, bỏ hết công việc và về nghỉ ngơi, thì cũng dần cảm thấy buồn chán và có chút hối hận về quyết định của mình.
Con người ta cần những mục tiêu khác nhau ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, để cảm nhận được rõ ràng rằng mình đang "sống". Tự do tài chính không phải là bạn nhất định phải có được 1 triệu USD đầu tiên, sau đó nghỉ làm, tập trung hưởng thụ số tiền đó đến cuối đời.
Vì tiền dù có bao nhiêu tiêu rồi cũng sẽ hết, bạn không thể đảm bảo mình chỉ cần 1 triệu USD đã có thể sống tốt vài chục năm tương lai.
Vậy tự do tài chính có thực sự chỉ là 1 triệu USD hay không?
Trong chương trình MONEYTalk số 49, ông Hans Nguyễn - Quản lý cấp cao Đào tạo kênh phân phối, Dragon Capital Việt Nam, đã chia sẻ về quan điểm cá nhân của mình như sau:
"Chúng ta thường nói về tự do tài chính với cột mốc là 1 triệu USD. Nhưng thực tế, con số đó cũng chỉ là tượng trưng thôi. Điều thực sự quyết định trạng thái tự do tài chính phải là phong cách sống của bản thân mỗi người.
Có người cần tới 5 triệu USD mới có thể trang trải hết những chi phí cần thiết và cảm thấy hạnh phúc. Cũng có người cần tới 5 tỷ USD, có người lại chỉ cần 500 nghìn USD."
Do đó, ông nhận định rằng: "Cuối cùng, hai chữ ‘hạnh phúc’ mới đóng vai trò then chốt, quyết định trạng thái tự do tài chính của mỗi người."
Bà Trần Thu Hương - Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ VIB, cũng đồng tình với quan điểm này. Nữ chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là trạng thái đó phải phù hợp với bạn không, có phải là điều bạn mong muốn không, và có tương xứng với khả năng của bạn hay không. Đây mới là cách cân nhắc về điểm tự do tài chính của riêng mỗi người.
"Nếu bạn có được cái bạn muốn, tức là bạn thành công. Nếu bạn muốn cái bạn có, đó chính là hạnh phúc", chuyên gia Hans Nguyễn đúc kết.
Kết thúc phiên bàn luận cho câu hỏi trên, Host Ngọc Trinh cũng đưa ra nhận định rằng: "Quan trọng nhất để đạt hạnh phúc chính là muốn những điều có thể có, chứ không phải muốn những điều mà người ta có, bản thân mình chưa chắc đã có."
Nhưng lòng tham là thứ mà hầu như người nào cũng có. Nếu đã không thể không tham lam, vậy chúng ta phải tìm cách kiểm soát được nó.
Từ những trải nghiệm thực tế của bản thân, nữ giám đốc VIB cũng chia sẻ rằng, bất cứ khi nào làm vì lòng tham, bạn đều sẽ thất bại và bị kéo xa khỏi mục tiêu. Do đó, các quyết định đầu tư cũng phải xuất phát từ tâm lý và những tính toán bền vững, chứ không phải lòng tham nhất thời.
Chia sẻ thêm, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên để mọi người có thể quản lý lòng tham của mình. Đó là đừng bao giờ quên đánh giá rủi ro. Khi nhìn thấy rủi ro quá cao, chúng ta phải tự nhận thức được rằng, nên bớt tham lại.
Chỉ có những người thiếu thông tin, không đánh giá được rủi ro mới dễ "sập bẫy" bởi lòng tham. Họ nghĩ rằng mình "có thể có", nhưng thực chất là "không có cơ hội". Như vậy, khi họ nhận được những thông tin hay ho bên ngoài, họ vẫn có thể đánh giá được điều đó có thực sự phù hợp hay không.