Một số TikToker nói bị đau họng, đau mắt sau khi ra đường và cho rằng do tiếp xúc với SO2. Một tài khoản khác đi quay lục bình cháy nắng, nói là vì mưa chứa SO2 đã gây "cháy" lục bình.
Nhiều TikToker cho rằng SO₂ này xuất phát từ các vụ phun trào núi lửa thời gian qua tại Indonesia. Hư thực ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - phó chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam, cho rằng hiện không có căn cứ để kết luận một "cơn bão SO₂" đi vào Việt Nam như một số người dùng mạng xã hội lan truyền.
Ông phân tích khói bụi từ các vụ cháy rừng, núi lửa phun trào từ Indonesia di chuyển đến Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, cường độ của vụ cháy rừng, núi lửa phun trào, kết hợp với hướng gió và sức gió.
Trước đây đã có khói bụi do cháy rừng tại Indonesia ảnh hưởng đến những tỉnh thành phía Nam của Việt Nam. Như vào năm 2015, TP.HCM xuất hiện hiện tượng mù khô (một dạng mù quang hóa tạo nên một lớp không khí trắng đục), một số khu vực có thể cảm nhận rõ cây cối, mái nhà bị bám những mảng bụi trắng.
Theo ông Sỹ, nếu khói bụi từ cháy rừng, núi lửa phun gây ảnh hưởng tới Việt Nam thì sẽ có những dấu hiệu rất dễ nhìn thấy như vậy.
Còn về SO₂, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng đây là một chất có mùi hắc rất đặc trưng, nên nếu để lại tác động trực tiếp trên người sẽ nhận ra ngay. Ngoài ra, nếu nồng độ SO2 đủ cao đến mức gây nguy hiểm, hiện tượng khó thở, buồn nôn sẽ xảy ra cho nhiều người một lúc trong một phạm vi, chứ không chỉ có 1-2 vụ nhỏ lẻ.
"Các hiện tượng ngứa, đau họng mà một số tài khoản TikTok nói gặp phải chưa đủ kết luận là do SO2 từ vụ núi lửa phun trào ở Indonesia. Khói bụi từ xe cộ, sinh hoạt hay các nhà máy công nghiệp cũng có thể gây ra các hiện tượng tương tự", PGS.TS Phùng Chí Sỹ khẳng định.
Tương tự, GS.TS Trần Thục - chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, cho rằng những nội dung trên các clip nói "bão SO2tấn công vào Việt Nam" là không có căn cứ. Trong nhiều năm qua, Việt Nam chưa từng ghi nhận hiện tượng gọi là "bão SO2" từ núi lửa Indonesia.
Chưa kể với khoảng cách giữa hai nước, SO2 từ núi lửa Indonesia nếu có lan sang cũng đã bị pha loãng rất nhiều. Do vậy người dân không có gì phải quá lo lắng.
CNN ghi nhận cuối tháng 4-2024, núi lửa Ruang ở Indonesia bắt đầu phun trào. Dữ liệu từ vệ tinh cho thấy núi lửa Ruang phun ra đám mây tro bụi khổng lồ cao tới gần 20km, cao hơn khoảng 7km so với độ cao thông thường mà các chuyến bay thương mại hoạt động.
Theo thông tin từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), tro bụi từ núi lửa bao gồm hỗn hợp các mảnh đá, khoáng chất và thủy tinh đã bị vỡ nát, trong khi các loại khí thường chứa hơi nước, carbon dioxide (CO2) và lưu huỳnh dioxide (SO2)…
SO2 là gì?
Lưu huỳnh dioxide (SO2) là một khí không màu, có mùi hắc, rất độc và được tạo ra tự nhiên từ các hoạt động như núi lửa phun trào hoặc từ các quá trình công nghiệp như đốt nhiên liệu hóa thạch.
SO2 cũng được sử dụng trong nhiều ứng dụng công nghiệp, bao gồm quá trình tinh chế dầu mỏ và sản xuất axit sulfuric. Khí này còn là một thành phần chính gây ra mưa axit khi nó tương tác với hơi nước trong không khí để tạo thành axit sulfuric.