Bancass - từ công thần trở thành tội đồ
Bán bảo hiểm qua ngân hàng (Bancass) từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Năm 2022 được xem là “đỉnh cao” của kênh Bancass với mức tăng trưởng gần 40%. Đã có gần 3 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bán qua kênh Bancass, với tổng phí 44.959 tỷ đồng.
Cùng với tăng trưởng, lợi nhuận của kênh Bancass hiển hiện trong báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng. Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), lợi nhuận từ bảo hiểm lên tới 10.100 tỷ đồng trong năm 2022 và chiếm 71,5% tổng thu nhập hoạt động dịch vụ. Doanh thu này đến từ việc MB sở hữu Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội và MB Ageas Life.
Tại VPBank, thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm năm 2022 đạt 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021 và chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ. Với Techcombank, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm 1.571 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng này của VIB ở mức 1.303 tỷ đồng, TPBank 877 tỷ đồng, SeABank là 534 tỷ đồng.
Từ “công thần”, sự phát triển nóng đã khiến kênh Bancass trở thành “tội đồ”. Phía sau khoản lợi nhuận khổng lồ, ung nhọt nảy sinh. Trong kết luận thanh tra về hoạt động Bancass của 4 doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng (Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife, Sunlife), Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm. Tiêu biểu như: đại lý chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm; chưa hướng dẫn khách hàng điền thông tin, kê khai hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; chưa thực hiện đúng quy định về gặp mặt, giám sát khách hàng ký hồ sơ, tài liệu; đại lý ký thay khách hàng…
“Liều thuốc” khôi phục niềm tin thị trường
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thẳng thắn nhìn nhận, giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm kể từ khi ra đời đến nay. Trong nửa đầu năm 2023, doanh số bảo hiểm từ kênh Bancass – vốn là trụ cột trong doanh thu phí giai đoạn trước đó, nay gần như tê liệt. Tuy nhiên, khủng hoảng cũng giúp thị trường bảo hiểm loại bỏ sai phạm để phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới.
“Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Bảo hiểm sửa đổi vừa thông qua để “nắn” thị trường phát triển đúng hướng. Cơ quan quản lý sẽ tăng cường xử phạt, quy định chặt chẽ, tránh tình trạng đại lý bảo hiểm có hành vi khiến khách hàng mua bảo hiểm chịu thiệt. Quy định chặt chẽ của cơ quan quản lý nhằm góp phần khôi phục niềm tin của khách hàng và khôi phục niềm tin thị trường”, lãnh đạo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Trần Thanh Tú - Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ top đầu thị trường cho biết, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, doanh nghiệp cần phải chấn chỉnh lại hoạt động. Ông Tú cho rằng, doanh nghiệp cần trở lại giá trị căn bản của bảo hiểm. Trong đó, về mặt sản phẩm, tư vấn cung cấp sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhu cầu, năng lực tài chính của khách hàng. Sau đó, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tăng cường công tác đào tạo chất lượng đại lý tư vấn để khách hàng hiểu rõ tính chất của sản phẩm bảo hiểm.
Theo ông Trần Nguyên Đán - Giảng viên Bộ môn Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), Việt Nam cần thị trường bảo hiểm phát triển, chứ không phải tăng trưởng.
“Thị trường bảo hiểm nhân thọ cần được chăm bón để tương lai trở thành cây đại thụ, cho bóng mát về sau, đừng chạy đua theo chỉ tiêu tăng trưởng trước mắt”, ông Trần Nguyên Đán khuyến nghị.
Để lành mạnh thị trường, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng thành lập ban bán chuyên trách về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nhằm tăng cường việc kiểm soát, nâng cao chất lượng tư vấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có hơn 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu phí ước đạt 15.508 tỷ đồng giảm 38,2 % so với cùng kỳ năm trước. Nhưng phí chi trả bảo hiểm tăng mạnh, lên mức 25.850 tỷ đồng.