Khoa học

Báo động hơn 16.000 hóa chất trong đồ nhựa

Theo báo cáo mới đây, trong các sản phẩm nhựa, từ bao bì thực phẩm, đồ chơi cho trẻ em đến thiết bị y tế... có đến hơn 16.000 hóa chất độc hại - Ảnh minh họa: AFP

Theo báo cáo mới đây, trong các sản phẩm nhựa, từ bao bì thực phẩm, đồ chơi cho trẻ em đến thiết bị y tế... có đến hơn 16.000 hóa chất độc hại - Ảnh minh họa: AFP

Con số đáng sợ trên được đưa ra trong một báo cáo mới đây, do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy tài trợ, tức nhiều hơn 3.000 so với ước tính trước đây của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP).

Theo bà Jane Muncke - giám đốc điều hành của Diễn đàn Bao bì thực phẩm phi lợi nhuận Thụy Sĩ, để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm nhựa, thế giới cần phải thực sự xem xét toàn bộ vòng đời của nhựa và phải giải quyết vấn đề hóa chất.

Bà cho biết các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hóa chất từ nhựa trong cơ thể người và một số trong số đó có liên quan đến các vấn đề sức khỏe bởi thực tế các hóa chất trong nhựa có thể ngấm vào nước và thức ăn.

Đáng chú ý, 1/4 số hóa chất được xác định không có thông tin cơ bản về bản chất hóa học và chỉ có 6% số hóa chất tìm thấy trong nhựa được quản lý trên phạm vi quốc tế.

Đề cập đến tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đối với sức khỏe con người như gây ra các vấn đề về sinh sản và bệnh tim mạch, báo cáo nhấn mạnh chỉ giải quyết vấn đề rác thải nhựa là không đủ để bảo vệ người dân.

Thay vào đó, cần thiết phải minh bạch hơn về các hóa chất - bao gồm chất phụ gia, chất hỗ trợ gia công và tạp chất - được đưa vào nhựa, kể cả các sản phẩm tái chế.

Ông Martin Wagner, trưởng nhóm báo cáo và là nhà môi trường học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho rằng các nhà sản xuất không thực sự biết có bao nhiêu loại hóa chất trong sản phẩm của họ. Do đó, theo ông, nếu không có quy định bắt buộc, sẽ không có động lực buộc các doanh nghiệp tiết lộ những hóa chất có trong nhựa.

400 triệu tấn rác thải nhựa/năm

Báo cáo được công bố trong bối cảnh các nhà đàm phán chính phủ đang vật lộn để xây dựng hiệp ước toàn cầu đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa ngày càng gia tăng, với rác thải nhựa hằng năm đã lên tới 400 triệu tấn.

Các cuộc đàm phán về một hiệp ước chống rác thải nhựa dự kiến tiếp tục vào tháng tới tại Ottawa (Canada) với mục tiêu hoàn thành hiệp ước tại hội nghị vào tháng 12 ở thành phố Busan (Hàn Quốc).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm