Ngọn núi lửa mới được đặt tên tạm thời là "Noctis Mons", cao 9.022m. Chiều cao này tương đương Mauna Loa, một trong năm ngọn núi lửa hình thành nên đảo Hawaii.
Noctis Mons thậm chí cao hơn đỉnh Everest trên Trái đất, nhưng trên sao Hỏa, nó chỉ xếp hàng thứ bảy.
"Gã khổng lồ" bị bỏ quên
Được phát hiện ngay phía nam đường xích đạo của "hành tinh đỏ", Noctis Mons có thể là nơi lý tưởng để tàu thám hiểm sao Hỏa tiếp theo của NASA đến tìm kiếm bằng chứng về sự sống.
Trước đây, Noctis Mons không lọt vào tầm mắt của các nhà nghiên cứu vì ngọn núi này đã bị xói mòn nặng nề. Tuy nhiên, Noctis Mons từng được chụp ảnh nhiều lần trong nhiều thập kỷ.
Tiến sĩ Pascal Lee - nhà khoa học hành tinh của Viện SETI và sao Hỏa, đơn vị chủ trì nghiên cứu - cho biết khi kiểm tra địa chất tại nơi đã tìm thấy tàn tích của sông băng vào năm 2023, họ nhận ra mình đang ở bên trong một ngọn núi lửa khổng lồ và bị xói mòn sâu.
Ngoài miệng núi lửa đã sụp đổ từng chứa một hồ dung nham, các nhà khoa học còn tìm thấy dòng dung nham xung quanh chu vi của Noctis Mons.
Noctis Mons có sườn dốc kéo dài 225km, nằm trong một khu vực trên sao Hỏa được gọi là Mê cung Noctis phía đông, thuộc phía tây hệ thống hẻm núi Valles Marineris. Đây là ngọn núi lửa lớn thứ bảy trên sao Hỏa. Lớn nhất là núi Olympus Mons, cao 21.950m, có diện tích bằng cả đất nước Ba Lan và là ngọn núi lửa lớn nhất trong Hệ Mặt trời.
Các núi lửa trên sao Hỏa lớn đến vậy không chỉ vì có ít lực hấp dẫn hơn, mà còn vì chúng không chịu bất cứ điều gì giống như mức độ xói mòn mà các núi lửa trên Trái đất phải trải qua.
Tuy nhiên, Noctis bị xói mòn nhiều hơn so với các ngọn núi khác khi sức nóng từ dung nham bốc lên và cái lạnh từ băng tương tác với nhau, gây ra các vết nứt và sụp đổ khổng lồ.
Việc bị xói mòn nhiều hơn so với các ngọn núi lửa tương tự dẫn đến giả định rằng Noctis phải "già" hơn nhiều so với Olympus Mons hoặc các núi lửa khác. Mặc dù nguồn gốc rất cổ xưa nhưng Noctis vẫn có những dấu hiệu hoạt động tương đối gần đây, và những người khám phá không loại trừ khả năng nó có thể phun trào trở lại.
Nơi "đặc biệt thú vị"
Nhóm nghiên cứu tìm thấy Noctis Mons ở cùng khu vực mà họ phát hiện một sông băng còn sót lại vào năm ngoái. Lớp muối hình thành trên đỉnh sông băng vẫn được bảo tồn hình dạng, thậm chí cả các khe nứt.
Điều này cho thấy sự hiện diện của băng nước trên sao Hỏa trong thời gian gần đây, chứng tỏ khả năng băng vẫn có thể tồn tại ngay dưới bề mặt "hành tinh đỏ".
Việc phát hiện cả một ngọn núi lửa khổng lồ, và phần còn lại của sông băng, khiến vùng Noctis Labyrinthus trên sao Hỏa trở thành một trong những địa điểm lý tưởng cho các tàu thám hiểm sao Hỏa của NASA trong tương lai, và cả những chuyến thám hiểm của con người.
"Ngọn núi này cổ xưa và tồn tại lâu đời, bị xói mòn sâu đến mức bạn có thể đi bộ, lái xe hoặc bay qua nó để kiểm tra, lấy mẫu và xác định niên đại của các phần khác nhau bên trong núi, nhằm nghiên cứu quá trình tiến hóa của sao Hỏa theo thời gian", tiến sĩ Lee chia sẻ.
Nhà nghiên cứu nhận định Noctis Mons "đặc biệt thú vị" và là "vị trí đắc địa cho nghiên cứu sinh học vũ trụ và hoạt động tìm kiếm dấu hiệu sự sống".
Núi lửa được tìm thấy bằng cách sử dụng dữ liệu từ các tàu Mariner 9, Viking Orbiter 1 và 2, Mars Global Surveyor, Mars Odyssey và Mars Reconnaissance Orbiter của NASA, cũng như tàu Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Khám phá đã được trình bày tại Hội nghị khoa học Mặt trăng và Hành tinh lần thứ 55 kèm theo một bài báo trực tuyến.