Đột tử trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi tỉ lệ tử vong lên đến 95%, nhưng liệu có thể dự phòng "sát thủ giết người" này?
Đột tử khi tắm khuya, chơi thể thao, lái xe…
Ngày 13-3, câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội về cậu bé lớp 10 đã ra đi đột ngột sau khi tắm đêm khiến nhiều người không khỏi xót xa và lo lắng khi bản thân mình cũng có thói quen này.
"Mẹ ân hận vì đã không ngăn con tắm quá muộn. Hôm ấy khi con đang cảm cúm mà con lại đi tắm khi đêm muộn lúc cả nhà đã đi ngủ. Và điều tồi tệ nhất đã đến với gia đình", người mẹ đau xót chia sẻ.
Trước đó tại tỉnh Tuyên Quang, nam thanh niên 37 tuổi cũng đột ngột ra đi sau trận bóng đá. Theo lời kể của người dân, nam thanh niên đang chơi bóng đá thì xin ra sân nghỉ vì mệt. 30 phút sau, mọi người phát hiện anh đã ở trong tình trạng mất ý thức, ngừng tim và sau đó tử vong.
Tương tự, nam thanh niên 23 tuổi cũng đột tử khi đang đánh cầu lông cùng nhóm bạn tại sân thể thao ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Dù được nhân viên y tế sơ cứu ban đầu và đưa đi bệnh viện nhưng nạn nhân đã tử vong ngay sau đó. Công an phường Trường Thọ và TP Thủ Đức xác định nam thanh niên tử vong do đột tử.
Thời gian qua, không ít những trường hợp tài xế lái xe ô tô cũng tử vong trên xe được người dân phát hiện, dù trước đó họ được cho là người khỏe mạnh, sức khỏe đủ điều kiện lái xe.
Chỉ có số rất ít bệnh nhân đột tử được cứu sống. Kể đến trường hợp gần nhất là thiếu nữ 18 tuổi bị đột tử khi tập văn nghệ ở trường được Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cứu sống khi đến bệnh viện đã tình trạng ngưng tim, ngưng thở.
Từng tiếp nhận cấp cứu các bệnh nhân đột tử, PGS Nguyễn Hoài Nam - nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch Trường đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng có khoảng 95-98% bệnh nhân đột tử tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện. Điểm chung của những bệnh nhân này là đều chết trên 30 phút trước khi đến bệnh viện, khiến tim không thể đập trở lại.
Tại sao đang khỏe mạnh bỗng đột tử?
Theo bác sĩ Phạm Văn Chính - khoa hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đột tử là tình trạng tử vong đột ngột xảy ra trong vòng một giờ sau khi khởi phát triệu chứng cấp tính, hoặc không chứng kiến thời điểm tử vong và trong vòng 24 giờ trước đó nạn nhân không có biểu hiện triệu chứng gì.
Trong đó, đột tử do tim là thường gặp nhất, theo các nghiên cứu tỉ lệ gặp dao động từ 50 - 100 trường hợp/100.000 dân/năm. Nguyên nhân hàng đầu thường do bệnh lý mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp, tức là tình trạng động mạch cấp máu cho cơ tim bị xơ vữa, vôi hóa gây hẹp dần sau đó tắc đột ngột dẫn tới ngừng tim.
Bác sĩ Phạm Văn Chính cho biết thêm có nhiều nguyên nhân rối loạn tim mạch bẩm sinh có thể gây ngừng tim đột ngột ở người trẻ. Thường gặp nhất là bệnh lý cơ tim, đặc biệt bệnh cơ tim phì đại. Đây là tình trạng bệnh lý cơ tim bị dày lên (phì đại), khó khăn khi co bóp để bơm máu đi, dễ gây các rối loạn nhịp tim và ngừng tim.
Ngoài ra, tình trạng viêm cơ tim (chủ yếu do vi rút) cũng gây nên rối loạn hoạt động và chức năng bơm máu của tim khiến tim ngừng đập đột ngột.
Lý giải thêm về tình trạng nhiều người nhìn bề ngoài khỏe mạnh và đột ngột tử vong, PGS Hoài Nam cho rằng có thể họ mắc hội chứng rối loạn dẫn truyền. Khi gặp những "yếu tố thuận lợi" như tắm khuya lạnh, chơi thể thao sẽ "kích động" hệ thống rối loạn dẫn truyền, làm tim ngừng đập.
Bác sĩ Hà Thị Vân Anh, Bệnh viện Lão khoa trung ương, cho rằng có thể những người này có bệnh lý tiềm ẩn như bệnh tim bẩm sinh về cơ tim, van tim, mạch vành, mạch não… mà không hề biết. Nguyên nhân do không đi khám hoặc không được phát hiện và điều trị kịp thời.
"Để phòng tránh đột tử trước tiên cần quản lý sức khỏe tốt, thăm khám sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán sớm, điều trị sớm. Bên cạnh đó cần xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, nói không với thuốc lá, làm việc nghỉ ngơi điều độ để tránh những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe", bác sĩ Vân Anh khuyến cáo.
Không nên tắm quá khuya!
Nhiều người đột quỵ, thậm chí đột tử sau khi tắm quá muộn. Về tình trạng này, TS Mai Đức Thảo, khoa thần kinh Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), cho biết việc tắm quá muộn, tắm quá lâu, nước tắm quá nóng hoặc quá lạnh... có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc như liệt mặt, chóng mặt, đột quỵ, ngừng tim…
Theo bác sĩ Thảo, ban đêm nhiệt độ bên ngoài giảm xuống thấp, tạo ra chênh lệch về nhiệt độ so với cơ thể. Vì vậy khi tắm khuya nhiệt độ cơ thể chênh lệch lớn với nhiệt độ nước khiến nạn nhân dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo không nên tắm sau 23h và chỉ nên tắm trong khoảng 10 phút.
Đột tử và đột quỵ khác nhau thế nào?
Khác với đột tử có thể gây tử vong trong ít phút, PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM - cho hay đột quỵ không gây tử vong trong những giờ đầu tiên mà thường sau vài ngày.
Đột quỵ là tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột, hậu quả các tế bào vùng não được nuôi dưỡng bởi mạch máu tắc nghẽn, bị chết dần và dẫn đến mất chức năng thần kinh, biểu hiện bằng triệu chứng liệt tay và chân một bên, nói đớ, méo miệng...
Khi tắc nghẽn mạch máu lớn, theo thời gian số lượng tế bào não chết với thể tích lớn có thể dẫn đến hiện tượng phù nề gây ảnh hưởng đến ý thức, hôn mê. Nặng hơn và cấp cứu chậm có thể làm bệnh nhân tử vong.