Tài chính

Vụ vay 8,5 triệu bị đòi hơn 8,8 tỷ: 10 năm làm ngân hàng cũng không hiểu tính cách nào ra con số như vậy

Vụ việc anh P.H.A (ở Quảng Ninh) nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, 11 năm sau bị ngân hàng đòi hơn 8,8 tỷ đồng đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. 3 ngày qua, trên mạng xã hội vẫn chưa thôi bàn tán về vụ “đòi nợ” này. Đồng thời, nhiều người đặt câu hỏi, phía ngân hàng đã tính như thế nào khiến khoản nợ của anh A phải chịu số tiền lãi khủng như vậy?

Chia sẻ trên báo Dân trí, ông Phan Hoàng Quân, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Công ty cổ phần FIDT cho hay vì lãi suất, phí phạt và các loại phụ phí mỗi loại thẻ, mỗi ngân hàng là khác nhau nên hiện chưa thể tính chính xác lãi suất và số dư nợ của anh A.

Ông Quân nói thêm về nguyên tắc, lãi suất được tính bằng cách ngân hàng sẽ chốt dư nợ tín dụng mỗi tháng một lần, tại ngày lên bảng sao kê. Khi khách hàng trễ hẹn thanh toán, phía ngân hàng sẽ lập tức tính lãi suất dựa trên tổng dư nợ đã sử dụng. Sang tháng sau đó, khoản dư nợ tiếp tục được cộng gộp, bao gồm nợ gốc, lãi quá hạn, lãi trên khoản tiền chưa trả, phí phạt trả chậm,...

Vụ vay 8,5 triệu bị đòi hơn 8,8 tỷ: 10 năm làm ngân hàng cũng không hiểu tính cách nào ra con số như vậy- Ảnh 1.

Ông Quân cho rằng trường hợp của anh A là hy hữu. (Ảnh: FIDT)

Trường hợp này gọi là lãi kép, số tiền sẽ ngày càng tăng sau mỗi chu kỳ nợ và tốc độ ngày càng tăng cao ở những chu kỳ cuối.

Ngân hàng sẽ quy định rõ các mức lãi suất cũng như các loại phí kèm theo khi cấp thẻ tín dụng cho khách hàng. Trong đó, lãi suất nợ quá hạn được tính là 150%.

Nói về câu chuyện của anh A, ông Quân cho rằng đây là một trong những trường hợp hy hữu, hiếm có. Bởi thông thường, ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng. Khi phát thông báo quá 3 lần mà không nhận được phản hồi, phía ngân hàng có thể đơn phương hủy thẻ, không để phát sinh dư nợ.

Các trung tâm thẻ thường quét được nhanh những dư nợ thẻ như anh A để đòi nợ, truy thu khách hàng. Nếu trong thời gian dài không thấy khách phát sinh giao dịch, thẻ sẽ hết hạn và tự động được khóa.

Trong khi đó, thông tin trên Tạp chí Kinh tế chứng khoán Việt Nam cho biết, một cán bộ quản lý ở Ngân hàng Thương mại cổ phần khi được hỏi ý kiến về trường hợp của anh A cũng xác nhận không có chuyện lãi mẹ đẻ lãi con với những khoản nợ của khách hàng sau khi bị chuyển nợ quá hạn.

Vị này nói rằng, anh đã làm ngân hàng hơn 10 năm nhưng cũng không giải thích được tính cách nào để ra được con số tiền tỷ như vậy.

Vụ vay 8,5 triệu bị đòi hơn 8,8 tỷ: 10 năm làm ngân hàng cũng không hiểu tính cách nào ra con số như vậy- Ảnh 2.

Một cán bộ quản lý ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho biết anh không giải thích được tính cách nào để ra được con số tiền tỷ như vậy.

Về phía Eximbank, đại diện ngân hàng cho biết phương thức tính lãi, phí trong khoản nợ nói trên hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng. 

Theo thông tin mới nhất về diễn biến vụ việc, anh A đã ủy quyền cho người đại diện là Luật sư Tạ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Luật TNHH Emme Law, Đoàn Luật sư TP. HN) để làm việc.

Chia sẻ trên VTC News, Luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết trong tuần này anh sẽ hoàn thiện đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định và sẽ làm việc với ngân hàng Eximbank trong tuần tới. 


Cùng chuyên mục

Đọc thêm