Đầu tháng 6, quạt tích điện được săn lùng khắp các cửa hàng điện tử khi một số tỉnh miền Bắc bị cắt điện trong mùa nắng nóng. Tuy nhiên chỉ sau vài tuần, nguồn điện ổn định trở lại, những người đang ôm hàng phải tìm cách bán tháo để thu hồi dòng tiền, giảm chi phí kho bãi nhưng vẫn không có người mua.
Trần Hạnh, người chuyên nhập hàng Trung Quốc lâu năm ở Cầu Tó, Thanh Trì (Hà Nội), kể cuối tháng 5, cô nhập lô 3.000 quạt năng lượng mặt trời và bán hết ngay cho đại lý, thậm chí không cần xếp hàng vào kho. Cô cho biết mình không có nhiều kinh nghiệm về mặt hàng này, nhưng thấy nhu cầu quá lớn và hàng bán nhanh nên cô tiếp tục nhập một lô lớn hơn.
Theo dự tính, Hạnh sẽ nhận được 4.000 quạt tích điện, quạt năng lượng mặt trời giữa tháng 6, nhưng mọi việc không suôn sẻ. Nhu cầu thị trường cao khiến nhà cung cấp Trung Quốc không kịp giao.
"Cuối tháng 6, hàng mới về Việt Nam nhưng tình trạng cắt điện không còn. Các cửa hàng chấp nhận bỏ cọc vì sợ nhập về cũng không ai mua, trong kho vẫn còn gần 3.000 chiếc chưa bán được", Hạnh nói. Cô đang tìm cách bán tháo để giải phóng nhà kho.
Thành Ngọc, chủ cửa hàng bán quạt điện ở Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa (Hà Nội), cũng cho biết đang tồn 200 quạt tích điện nhập từ giữa tháng 6. Nếu đợt cắt điện vẫn diễn ra, số hàng sẽ được tiêu thụ trong vài ngày, nhưng giờ anh dự kiến phải đến năm sau mới bán hết.
Hạnh và Ngọc không phải trường hợp hiếm gặp đang "ôm trái đắng" vì cơn sốt quạt tích điện. Minh Tuấn, quản trị viên nhóm quạt tích điện với 10.000 thành viên trên Facebook, nhận xét thị trường "gần như đảo ngược chỉ sau một đêm".
"Tháng trước, nhiều người chấp nhận trả giá gấp đôi để mua. Người bán yêu cầu phải đặt cọc trước và chờ 3-5 ngày sau mới có hàng. Còn giờ trên nhóm chỉ toàn bài rao bán xả lỗ, thanh lý nhưng không ai mua", ông Tuấn cho hay.
Theo ông, quạt tích điện chỉ là giải pháp nhất thời khi mất tiện, còn các gia đình đã có sẵn máy điều hòa và các thiết bị làm mát khác. Khi nguồn điện ổn định trở lại, nhu cầu gần như về không. "Đợt đầu, dân buôn không có hàng để bán, sẵn sàng nhập với giá cao nên lợi nhuận không nhiều. Đợt sau nhập nhiều nhưng lại không bán được hàng. Nếu không thanh lý kịp, mức lỗ sẽ còn đậm hơn", ông Tuấn nói.
Đại diện một hệ thống bán lẻ đồ điện tử lớn tại Hà Nội cho biết những mùa nắng nóng trước, nhu cầu mua quạt tích điện, quạt năng lượng mặt trời không quá cao nên hệ thống không nhập nhiều. Nguồn cung dồi dào trên thị trường chủ yếu nằm ở kho của các thương nhân, dân chuyên nhập đồ điện tử Trung Quốc.
Với kinh nghiệm trong ngành, người này cho biết thương nhân đang ôm quạt tích điện hiện có ba lựa chọn. Một là bán tháo, bán rẻ, chấp nhận bán lỗ để thu hồi dòng tiền, giải phóng kho bãi. Ông lấy ví dụ, một quạt tích điện bình dân hồi đầu tháng 6 có giá từ 800.000 đến một triệu đồng, còn nay được rao bán 400-500 nghìn đồng, được xem là hòa vốn. Họ cũng có thể đưa về các cửa hàng điện tử nhỏ lẻ ở địa phương với giá tốt mới có hy vọng giải quyết hàng tồn.
Thứ hai là người buôn hàng chuyên nghiệp có thể xuất trở lại Trung Quốc, tìm nguồn nhập lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tìm được mối và có thể phải chịu bị ép giá.
Lựa chọn cuối cùng là "cố đấm ăn xôi", chờ thị trường có biến động vì mùa hè chỉ mới bắt đầu. Nếu tình trạng cắt điện lặp lại, họ có thể tiếp tục bán giá cao kiếm lời, thậm chí chờ mùa nắng nóng năm sau.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, giải pháp cuối này khá rủi ro vì đồ điện tử không để được lâu, chi phí kho bãi lớn và có thể nhu cầu của người dùng đã khác vào năm tới.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Tiến, đa số quạt tích điện hiện dùng ắc-quy khô hoặc pin lithium. Cả hai loại này đều có nguy cơ hỏng nếu không được sử dụng trong thời gian dài.
Với ắc-quy khô, bình có thể mất khả năng sạc lại hoặc giảm điện thế khiến quạt có công suất thấp hơn nhiều so với ban đầu. Trong khi đó, quạt lithium sau một thời gian không bật cũng gặp vấn đề mất nguồn, không thể sạc hoặc xả.